Vậy là ngày 07/12/2017, Công ty Cổ phần Đường Đua Mới đã chính thức ra đời, tôi đóng dấu và gửi công văn xin tổ chức giải Hà Giang Marathon - chạy trên Cung đường Hạnh Phúc tới sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch tỉnh Hà Giang, công văn được chấp nhận, ngày tổ chức vào cuối tháng 4 năm 2018, chúng tôi có đúng 4 tháng chuẩn bị. Về sau tôi mới biết rằng chọn ngày trùng với dịp lễ như vậy là một sai lầm chết người cho những bước đi đầu tiên non trẻ của một nhà tổ chức giải. Bên cạnh đó, tôi gặp phải nhiều nghịch cảnh ngay khi công ty vừa ra lò còn đang nóng hổi.
Đây là câu chuyện mà anh Đặng Đức kể về quá trình đến với chạy bộ và hình thành Race Jungle, một cái tên đang ngày càng quen thuộc ở Việt Nam với những giải chạy kỳ lạ và cuốn hút! Từ lúc hình thành, trải qua những giai đoạn thăng trầm, đi qua 3 năm “ngồi im” vì dịch Covid-19 không thể nào quên và những giải chạy ở những cung đường “sao mà đẹp thế”... Phần tiếp theo là câu chuyện về nguyên nhân dẫn đến việc Race Jungle quyết định tổ chức một giải chạy siêu đường mòn ở một nơi được gọi là “Xứ sở Thần Tiên”.
Đọc lại phần 1: Đến nơi này sẽ khiến cuộc đời bạn "quay xe"
Tôi vui mừng thông báo cho cổ đông về kết quả thành lập công ty nhanh chóng cũng như công văn phúc đáp của Hà Giang, nhưng ngay lúc đó, tôi nhận được tin 2 cổ đông trong số 4 người ban đầu cam kết cùng tôi thành lập công ty quyết định rút lui, cổ đông còn lại cũng không thể làm toàn thời gian được, một mình tôi sẽ phải lo tất cả mọi việc. Tôi còn phải “ôm” lại trách nhiệm góp vốn của 2 người bỏ, và phải tìm thêm ít nhất một người thay thế ngay trong vòng 90 ngày để đảm bảo đúng quy tắc công ty phải có ít nhất 3 cổ đông và đóng số tiền mặt gần 1 tỷ đồng vào quỹ công ty theo luật thành lập doanh nghiệp (chỉ đến tháng 5/2018, tôi đã tiêu sạch số tiền này và công ty lâm vào tình cảnh vô cùng túng quẫn, kèm theo một khoản nợ không đòi được trị giá gần nửa tỷ khi đối tác không chịu thanh toán dịch vụ tổ chức giải).
Song song với khó khăn lúc mới lập công ty, có đủ thứ phải lo để chuẩn bị cho một giải đấu được tạo ra vội vàng, thật may, nó không phải là vấn đề bất khả thi hay quá khó để làm, chỉ là khối lượng công việc quá lớn để có thể xử lý gọn gàng. Tôi tìm kiếm nhân viên và đối tác để làm từng chút một trong danh mục khổng lồ việc phải làm cho một cuộc đua. Rõ ràng, khi đó đâu có ai “điên rồ” đến mức bỏ đi theo một người “yêu chạy bộ” bỏ hết mọi công việc chỉ để đi làm giải chạy bộ, cũng không rõ giải chạy đó có ra gì hay không? Nhưng trời không phụ lòng người, tôi có nhân viên đầu tiên chỉ ít ngày sau đó, một cộng sự nữ đã gắn bó với công ty 6 năm sau đó nữa và cũng điên tới mức bay từ Đà Nẵng ra và lấy luôn văn phòng bé tí mà tôi thuê để làm chỗ ở!
Thực tế, vào năm 2018, chỉ có 3 công ty làm giải chạy ngoài miền Bắc, trong đó DHA là chuyển từ một công ty làm sự kiện sang, trước đó một thời gian tôi đã làm nhân viên của DHA và tổ chức một giải chạy ở Nha Trang, khi đang chuẩn bị làm giải có cự ly marathon ở Hạ Long thì tôi nghỉ vì không hợp. Công ty thứ 2 là Topas vốn là công ty du lịch nước ngoài và VMM đã phát triển từ trước đó mấy năm rồi dần trở thành giải chạy trail lớn nhất Việt Nam. Cuối cùng là công ty của tôi, chân ướt chân ráo vào nghề, năng lực tài chính yếu nhất chưa kể không có được một đội ngũ hùng hậu triển khai công việc. Chúng tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất là phát triển những giải chạy ở những nơi đẹp nhất Việt Nam để mang tới những trải nghiệm đỉnh nhất cho người tham gia (cả đường trail và đường road).
Vài tuần sau, tôi và Diễm - nhân viên đầu tiên thực hiện được chuyến công tác chính thức cùng đoàn làm phim của Hachi8Media đi tới con đèo nổi tiếng Mã Pì Lèng ở Hà Giang và tiến hành những cảnh quay giới thiệu vẻ đẹp của giải. Chuyến đi vô cùng may mắn khi thời tiết lên hình tuyệt đẹp, nhưng ít ai biết rằng chúng tôi phải chịu đựng nhiệt độ lúc ngay giữa trưa chỉ có 5 độ C và những cơn gió “nhẹ” nơi viễn biên tạo ra cảm giác như lưỡi dao cắt vào da. Tôi trực tiếp phải đóng vai là người chạy và “tận hưởng” cung đường Mã Pì Lèng đó, phải mặc rất “phong phanh” như một người chạy bộ thực sự với quần đùi, áo cộc tay. Mỗi cảnh quay, tôi mặc vội quần áo và để chống rét khi quay, tôi đã phải dán đầy bên dưới lớp quần áo đó những miếng giữ nhiệt mua ở chợ. Dưới sự nỗ lực tuyệt vời, Hachi8Media dưới sự đạo diễn của Hòa đã làm ra một trong những clip giới thiệu cực kỳ ấn tượng (sau này Hachi8 cũng trở thành một trong những media production khủng nhất Việt Nam trong mảng sự kiện thể thao ngoài trời).
ít ai biết rằng chúng tôi phải chịu đựng nhiệt độ lúc ngay giữa trưa chỉ có 5 độ C và những cơn gió “nhẹ” nơi viễn biên tạo ra cảm giác như lưỡi dao cắt vào da
Tôi mất nhiều tháng để tìm kiếm một cái tên thật hay, thật ý nghĩa gắn với mục tiêu của công ty, một cái tên phải đảm bảo thể hiện được bản chất công việc mà chúng tôi sẽ làm, với tầm nhìn cá nhân tôi sẽ có một khoảng trời riêng toàn những nơi mà tôi yêu thích, đó sẽ là một nơi gồm toàn các cuộc đua đặc sắc, một cái tên bao gồm cả tên thương hiệu và tên miền chưa ai đăng ký, một thương hiệu có tỉ lệ được bảo hộ 90% và đảm bảo một quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu từ lúc thiết kế cho tới khi đẩy lên cục sở hữu trí tuệ chỉn chu tôi đã rất quen thuộc khi còn làm marketing cho nhiều bên. Tôi liệt kê và đánh giá hàng trăm trường hợp và loại dần cho đến khi có được một cái tên đúng như tôi muốn.
Đó là lúc “Race Jungle” ra đời! Khi tôi đặt tên đó, nhiều người cảm thấy khó hiểu, và hầu như ai nghe cũng có một thắc mắc, là “đua rừng”? Đúng, rất gần rồi, sẽ là đua ở trong rừng, nhưng đúng hơn sẽ là “một rừng các cuộc đua”. Nhưng tôi không giải thích gì nhiều! Cứ thế, âm thầm 7 năm qua, tôi và nhiều thành viên của Race Jungle đi khắp các vùng đất ở Việt Nam và quốc tế, không ngừng tìm kiếm những nơi đặc sắc nhất để đặt ở đó một đường đua đẹp nhất, hay nhất, không ngừng học hỏi để tìm cách làm ra một đường chạy giàu cảm xúc nhất. Khu vườn ban đầu chỉ có Ha Giang Discovery Marathon, Ha Long Discovery Marathon, nay đã trở thành một “khu rừng nho nhỏ” với thêm nhiều giải tổ chức trong rừng thực sự và những giải chạy tôi làm dịch vụ cho những công ty, tập đoàn khác như Viettel, MBAL, LPBank, báo Mainichi, với hàng loạt concept độc lạ đặc sắc như Jungle Paths, Mount Paths, Sky Paths…
Liên tiếp những giải chạy ở khắp nơi được Race Jungle cho ra đời, và cũng không ít bị loại bỏ vì nhiều yếu tố như khó khăn thủ tục, dịch vụ ở địa phương không đáp ứng, địa hình quá phức tạp dù rất đẹp, hay trớ trêu như bị nợ khó đòi, bị dịch bệnh ngáng chân. Thậm chí có những giải tôi “loại” khỏi khu rừng đó chỉ vì “mất chất, xa rời bộ gien” mà tôi rất tiếc nuối như giải chạy ở Hạ Long, Hội An, giải ở Đà Lạt, nhưng chúng tôi vẫn phát triển thêm rất nhiều cả nhân sự lẫn số cuộc đua đáp ứng được yêu cầu khắt khe trong tiêu chí chọn lựa… Cuối năm 2021, Race Jungle đã nỗ lực vươn lên trở thành đơn vị tổ chức nhiều giải nhất ở Việt Nam hàng năm, thậm chí có ngày chúng tôi tổ chức 2 giải ở 2 đầu đất nước, hoặc 2 tuần 3 giải với hàng nghìn người tham gia. Hoặc chúng tôi triển khai một giải chạy ở tỉnh với thời gian cực kỳ nhanh chỉ trong 10 ngày kể từ lúc ký hợp đồng dịch vụ tổ chức, bao gồm cả chỉ tiêu huy động hàng nghìn người đăng ký tham gia.
Chúng tôi được quá trời nhiều địa phương mời tới khảo sát và đánh giá tổ chức giải, đôi khi cũng bắt buộc phải từ chối trong tiếc nuối nhiều nơi tuyệt đẹp vì không đáp ứng được các tiêu chí về dịch vụ ăn nghỉ hoặc đi lại (còn quá ít, quá đơn giản, quá xa). Một trong những nơi đó chính là thiên đường leo núi Lai Châu, nơi có tới 6 đỉnh núi trong top 10 đỉnh cao nhất Việt Nam và cũng là những đỉnh khó leo nhất, một nơi quá phù hợp với những gì mà Race Jungle đang làm.
Tôi tới Lai Châu 5 lần, mỗi lần đều là do được rất nhiều nhân vật có vai vế và ảnh hưởng giới thiệu tôi với các lãnh đạo địa phương. Tôi hình dung mình sẽ sớm hình thành một đường chạy siêu dài với một vài đỉnh núi cao để chinh phục, một cuộc đua khó hoàn thành với cự ly một trăm dặm (160km) và có thể lên tới hơn 10.000 mét phải leo lên và xuống. Chỉ nghĩ thôi đã phấn khích. Tôi tới và khảo sát nhiều nơi, tôi đi leo núi và lang thang ở nhiều bản làng đặc sắc, tôi làm quen với câu lạc bộ chạy ở thành phố Lai Châu và được tiếp đón nồng nhiệt, mọi người thảo luận về thời điểm tổ chức và những cự ly sẽ làm một cách hào hứng như thể giải sắp diễn ra đến nơi rồi. Nhưng có gì đó vẫn còn lấn cấn ở một nơi tuyệt vời để làm giải như thế này. Mong muốn của tôi và anh chị em câu lạc bộ về việc tổ chức giải rất rõ ràng, nhưng tôi không cảm nhận được sự nhiệt tình của lãnh đạo nơi này khi họ giao cho tôi làm việc với sở Khoa học Công nghệ chứ không phải sở Văn hóa Thể thao và Du lịch như thông thường chỉ vì gắn giải với chuỗi sự kiện về sâm của tỉnh.
Vào đầu mùa hè 2022, lần cuối cùng tôi tới Lai Châu để làm việc về tổ chức giải, tôi ở đây mấy ngày nhưng đều không đạt được mục đích, rồi cơ hội tới, “nguồn tin” cho tôi biết lãnh đạo đã đi công tác ở Sa Pa, sáng hôm sau sẽ dự một buổi tiệc trước khi vào họp sớm. Tôi check out khách sạn ngay trong đêm, vượt đèo Ô Quy Hồ rồi tới nơi họp và chờ sẵn ở đó để trình bày về ý tưởng tổ chức của mình.
Tôi đã mắc phải một sai lầm nghiêm trọng, có rất nhiều những người như tôi, và tất nhiên là quan trọng hơn tôi đã chờ sẵn ở đó để trình bày phần của họ trong cuộc gặp chóng vánh. Tôi chỉ kịp bắt tay với vài người mà tôi chả còn nhớ là ai nữa, mọi công sức mọi cố gắng dồn cho bài trình bày 30 giây với 5 giây gây ấn tượng gì đó mà tôi đã tự tập trong đầu còn không có nổi một giây được thể hiện. Thất vọng, tôi lại ngồi chờ đợi, nhìn ngắm không khí rất tầm thường ở Sa Pa đang ở vào cái mùa mưa nắng bất chợt, cảm thấy cuộc đua của tôi tan như bọt nước dưới lòng đường, tâm trạng vô cùng chán chường. Đúng lúc đó, tôi nhận được cuộc gọi từ số lạ. Đó sẽ là một cuộc gọi mà tôi không bao giờ quên trong cuộc đời, đầu dây bên kia là anh An - giám đốc sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch tỉnh Cao Bằng. Với giọng nói ấm áp, lời giới thiệu mang âm điệu tự tin như những người quảng giao nhưng cũng hết sức thân thiện khác hẳn phong cách của những người đứng đầu ngành Văn hóa của cả một tỉnh. Anh chiếm cảm tình và ngay lập tức khơi gợi tò mò của tôi khi giới thiệu nhanh về Công Viên Địa Chất Toàn Cầu Non Nước Cao Bằng, kèm theo lời mời trang trọng về khảo sát vùng đất có tên gọi “kiêu kỳ” được ngài Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đặt cho:
“Xứ sở Thần Tiên”.
Tôi mở máy và google thông tin, choáng ngợp trước những gì tôi nhìn thấy và đọc được về Cao Bằng mà với kinh nghiệm của tôi sẽ sớm trở thành một thiên đường mới cho mọi “phượt thủ” cùng những người yêu thích du lịch trải nghiệm hoặc chạy bộ. Tôi rút điện thoại, gọi lại cho anh An và hẹn luôn rằng tôi sẽ gặp anh vào sáng ngày hôm sau!
(còn tiếp)
Chỉ 4 tháng sau, Ultra Trail Cao Bằng ra đời với một khái niệm gây “sốc” trong cộng đồng chạy bộ, với 4 cuộc đua ultra trong 4 ngày chạy liên tiếp, khám phá trọn vẹn toàn bộ vùng đất Thần Tiên nơi viễn biên thanh bình, nơi mà mọi vận động viên sẽ về đích ở trong lòng cánh đồng lúa chín vàng dưới chân Thác Bản Giốc - “đệ nhất kỳ quan của thế giới”. Ở phần tiếp theo, tôi sẽ kể về khó khăn khi tổ chức một cuộc đua có thể nói là khốc liệt bậc nhất của ultra trail. Đây là concept cuộc đua nhiều chặng Multi Stage, diễn ra nhiều ngày liên tiếp, mỗi ngày là một chặng ultra và chỉ riêng ngày cuối đã là một cuộc đua siêu đường mòn thông thường với thêm 4 cự ly khác và hàng trăm người tham gia mỗi cự ly.
(Lời nhắn từ anh Đặng Đức: xin cảm ơn anh Linh Nguyễn H, phần này kể ra là để tặng anh).