Những lời góp ý chân thành đôi khi không hẳn chân thành, và nếu nói rằng mình tích cực thì đôi khi kẻ nói ra lại chính là một vị thần trong lĩnh vực thao túng thế giới tiêu cực ngoài kia! Ok, hãy phất cờ lên bởi vì bạn sẽ không bao giờ cầm được thứ gì khác ngoài cái cờ! Nếu đó là súng, bạn sẽ bắn cả đồng đội.
Đây là câu chuyện mà anh Đặng Đức kể về quá trình đến với chạy bộ và hình thành Race Jungle, một cái tên đang ngày càng quen thuộc ở Việt Nam với những giải chạy kỳ lạ và cuốn hút! Giống như món tôm hùm là đồ ăn hạ đẳng chỉ cho người nghèo và tù nhân ở thế kỷ 17, sau đó, khi qua tay những người chuyên nghiệp, nó dần trở thành món thượng hạng và đắt đỏ. Vùng đất làm giải của Race Jungle cũng thế, đó là những con tôm hùm.
Xin lưu ý là, bài viết này không có điều gì tiêu cực cả đâu! Ở đây sẽ toàn những điều tích cực (...).
Tôi ngày bé căm ghét thể dục.
Còn bọn trong lớp tôi thì nào cầu lông, bóng bàn, bóng đá. Về sau tôi bất ngờ phát hiện năng khiếu môn cầu lông vì bố tôi xây một cái sân cầu lông giữa vườn để tập cùng tôi. Nhờ tu luyện đều mỗi chiều tan học, tôi dần trở thành nhà vô địch lớp, rồi lọt vào đội vô địch trường đi thi đấu với các trường khác. Về sau, tuổi thơ va vấp vào bộ truyện tranh Teppi đánh gôn, nhà tôi lại rộng nên tôi lập ra thêm bộ môn mini gôn 10 lỗ được tôi vun đắp quanh nhà, đánh bằng gậy tự chế và bi ve, tính thời gian, không tính gậy, tức là xem làm sao cho 10 bi vào lỗ nhanh nhất có thể.
Trong lúc hội con trai cả lớp cấp hai của tôi hẹn đi đá bóng với lớp bạn thì chỉ có duy nhất mình tôi từ chối tham gia. Rồi chúng đá bóng chưa đã bèn cầm gạch đánh nhau đến máu me be bét và trong buổi sinh hoạt thứ 7, cô chủ nhiệm khóc lóc trước cả lớp và yêu cầu ai đã đánh nhau thì đứng lên... Tất cả lũ con trai đều "trượng nghĩa và dũng cảm" không cần nghĩ trừ tôi và một thằng nữa khá xấu tính trong lớp (nó cũng đánh nhau đến sứt cả mép), về sau nó bảo nó xin kiếu vì sợ bố mẹ buồn. "Các anh giỏi lắm" - cô chủ nhiệm chỉ phán như vậy và ấm ức bỏ đi sau khi đã yêu cầu mỗi đứa đều viết kiểm điểm về xin chữ ký bố mẹ. Ở lớp, tôi là đứa gầy nhất và hè nào cũng vào viện nằm 1 vài tuần, nên tôi có đặc quyền riêng của mình, tôi thích chơi cầu lông và riêng đá bóng thì tôi có thể không tham gia mà không ai ý kiến gì.
Với thể trạng luôn ốm yếu và gày gò suốt từ bé, cấp 2 rồi cấp 3, và mấy năm đầu đại học, tới năm 2 đại học, tôi cũng vẫn là 51kg như hồi cuối cấp 2, mặc dù tôi ăn uống như một vị thần sắp chết đói. Một ngày nghỉ hè đẹp trời trước năm 2 đại học, mẹ tôi cho tôi uống một thứ thuốc nam hay thuốc bắc gì đó, kể từ đó tôi - vẫn với thói quen ăn như lợn - bỗng nhiên tăng một mạch 19 kg, cho đến 2 năm sau thì tôi đã lên 70kg và tiếp tục tăng chậm lại, nhưng lại bị mỡ quá đến bệu cả ra như một con lợn ăn cám tăng trọng. Sức khỏe yếu hơn mức trung bình đáng kể. Đến năm 4 đại học, tôi mò ra công viên Thống Nhất gần chỗ tôi ở nhà họ hàng và cố gắng đi bộ hết 1 vòng công viên. Tôi trở lại đó hàng tuần nhưng không để chạy hay tập luyện gì mà tôi dẫn bạn gái ra đó đạp vịt.
Đó cũng là mối tình đầu của tôi. Sau khi chia tay, tôi lại thêm được khoản nhậu nhẹt làm vui và cùng với thằng chủ nhiệm câu lạc bộ guitar đi tán gái khắp nơi rồi về nhậu thì khoe khoang này nọ. Tôi vừa yếu, vừa chìm đắm trong những ảo tưởng sức mạnh về bản thân, chờ đợi những điều tốt đẹp đến với mình, nhưng chẳng có gì. Sự nghiệp thể dục thể thao của tôi có thêm chút khởi sắc khi tôi học được bơi ếch, nhưng số lần đi bơi không đáng kể lắm.
Trước khi giảm 10kg, sắp ốm liên tục 1 tháng không khỏi
Điều làm tôi nhớ nhất trong những năm tháng đó không chỉ là là sức khỏe của tôi kém mà còn cả ở việc tôi có một lối sống tiêu cực, độc hại suốt những năm cuối của thời đại học. Khoảng 2 năm sau khi bỏ học đi làm marketing, sống trong tiêu cực, thêm áp lực công việc, bận rộn và stress, tôi gặp một loại bệnh về hô hấp làm tôi cứ đến tối là sốt. Hơn 1 tháng không khỏi, cứ tối nào cũng nằm rên hừ hừ một mình, ban ngày thì đi loanh quanh dạy đàn và gặp gỡ khách hàng. Đúng lúc đó tôi có cơ duyên gặp 1 vị khách hàng làm trong lĩnh vực thẩm mỹ. Một ông giáo sư chuyên nghiên cứu, thực hành "kinh lạc" và áp dụng nó vào giảm béo, làm đẹp, đó là một kiểu "đả thông kinh mạch" mà lần đầu tiên tôi được biết đến. Buổi gặp đầu tiên, chỉ nhìn mặt tôi, ông phán như thể một lang băm làm tôi bán tín bán nghi: "mày có quá nhiều bọc mỡ độc trong người, còn có mấy ổ viêm nữa ở phế, dưới nọng cằm và trong dạ dày... ". Tiện tay, ông bóp luôn một cái búi mỡ dưới mang tai cạnh nọng cằm tôi làm cổ họng tôi cháy bỏng, tôi ho như một con chó vừa ăn nhầm miếng ớt.
Đợi tôi ho xong, ông hỏi: "thế mày uống bao nhiêu kháng sinh rồi, uống lâu chưa?". Tôi mới uống kháng sinh tầm 3 tuần nay, thử 2 loại rồi mà không hết sốt nên lúc này tôi cứ khai thật hết ra. Ông bảo tôi cứ để đệ ông chữa cho, rồi ông gọi 2 đứa con gái theo quảng cáo là mới 18 tuổi, trắng nõn, đẹp gái lắm, dẫn tôi lên phòng, bắt tôi tắm rửa sạch sẽ, quấn mỗi khăn, nằm lên giường mát xa và 2 đứa nó bắt đầu tẩm quất tôi gần 3 tiếng. Tôi về nhà tối đó, y lời ông không uống thuốc thang gì ngoài nước lọc, nằm liệt giường đúng 2 ngày, không ăn, chỉ uống nước, đau nhừ tử nhưng hết sốt, cảm thấy khoẻ như mới dậy thì, đái ra toàn mùi kháng sinh nồng nặc. Vừa đỡ đau là tôi lập tức quay lại gặp ông giáo sư và nghe thật kỹ xem bệnh tình của mình là gì, tại sao lại có cảm giác khỏe khoắn nhiều sức lực như thế chỉ sau 3 tiếng "làm kinh lạc" như ông nói.
Ông bảo tôi bị tắc kinh lạc, bảo tôi cứ đến gặp mấy đứa con gái lần trước vì chỉ có bọn gái 18 đấy đấy mới đủ khoẻ để "đả thông kinh lạc" được cho tôi, bắt buộc phải là gái! Cắn răng mỗi buổi chịu đau từ đầu đến chân, tôi làm đến buổi thứ 9 thì giảm được hơn 10kg và tự thấy khoẻ như voi. Tôi học được nhiều điều từ chú giáo sư đó, nhưng có một điều đọng lại mãi mãi về sau này chú nói rằng: "thống bất thông" tức là "đau, khổ đều đến từ bế tắc". Kể từ đó, tôi ý thức hơn để không bị "tắc" nữa, tập luyện cơ thể, chịu khó vận động hơn để không ì ạch ra đó, nhưng vòng xoáy công việc ngày càng căng thẳng khiến tôi lại bắt đầu lơ là cho đến khi tôi bị đau nửa đầu và đau dạ dày lại thì tôi bỏ hẳn công việc đang làm để bắt đầu công việc mới trong lĩnh vực chạy bộ này.
Lại ngẫm về điều chú giáo sư nói, tôi thấy nó đúng cả với lĩnh vực sức khoẻ, trí tuệ, tinh thần, tình cảm và cả tâm hồn. Mạch lạc khơi thông, không còn đau khổ.
Vào một ngày mưa rét, tôi nghiệm ra điều đó đúng cả với công việc của một giải chạy.
Lạc sâu trong rừng thẳm
Cung đường của mọi giải chạy bao giờ cũng được định tuyến khả thi trước, sau đó trên sơ đồ đó, nạp vào điện thoại hoặc thiết bị GPS rồi mới được người tiên phong hoặc giám đốc đường đua đi khảo sát và đánh giá cung đường. Một sơ đồ định tuyến được lên kế hoạch để đi khoảng 5 đến 7 ngày hoặc ít hơn nếu chỉ cần tinh chỉnh một số khúc chưa ổn. Khi toàn bộ các lần đi thử tạo ra một mạng lưới chằng chịt ở trên bản đồ tổng, nhiệm vụ của người tiên phong là nối thông các cung đường để làm giải. Một khi đã thông tuyến và được duyệt, chấm thêm các điểm để đặt trạm tiếp sức nữa là cuộc đua sẽ sẵn sàng.
Nghe đơn giản thật đó. Nhưng khi vào việc thì không bao giờ dễ dàng. Chúng tôi thường bị tắc nhất ở khâu dữ liệu bản đồ vệ tinh thì thể hiện đường mòn, nhưng do ít người đi lại, con đường đó đã được phủ bằng cây cỏ dại rậm rạp đến mức không thể xuyên qua được, hoặc muốn xuyên qua thì phải phạt thông đường đó để mở lối mòn mới. Nhưng nó vẫn khả thi chán. Nếu khu vực đó là một cánh rừng già hàng trăm năm tuổi thì điều đó là bất khả thi. Người tiên phong của chúng tôi sẽ phải tìm cách khác để nối thông tuyến.
Chúng tôi đang có một đường lõi xuyên rừng từ cổng tới tận đầu kia của Cúc Phương dài gần 30km. Một tuyến siêu đẹp với hơn một nửa là đường mòn, để tạo ra một cung đường ultra 100km khai thác hết đường rừng, cần phải tìm một số lối đi xuyên từ ngoài rừng vào lòng chảo và cắt tới đường lõi rừng, chỉ cần 2 đường như thế là có thể hình thành cung 100km tuyệt đẹp. Nhiệm vụ đã rõ, tay giám đốc đường đua của Race Jungle - Hùng Hải, cười nhếch mép - dễ, đầy đường!
Hùng Hải là một trong số những chân chạy đường mòn đình đám, từng vô địch hoặc á quân những giải ultra trail khó và dài nhất Việt Nam. Hùng (chứ không phải Hải) cũng là một trong số ít nhưng vận động viên phong trào chạy marathon với thành tích tiệm cận mốc 2h40 đầu tiên ở Việt Nam (bây giờ thì cũng rất nhiều người phá được mốc đó rồi). Vào năm 2022, khi làm giải chạy Cúc Phương, tôi có nhờ Quang Trần làm đường chạy, cụ thể là đánh dấu đường mấy ngày trước cuộc đua. Để thuê được Quang, tôi đã phải chi trả cả tiền gửi 2 con chó của hắn vào nhà trẻ (cho chó) và tiền ăn cho 2 bé cưng đó, nhưng số tiền bỏ ra cho danh tiếng đó thì vô cùng xứng đáng, chỉ có điều phần đánh dấu đường thì Quang không có nhiều kinh nghiệm lắm. Tuy là nhà vô địch ở Việt Nam trong giới ultra trail, nhưng mãi về sau tôi mới biết anh chính là thánh lạc đường. Hùng Hải kể rằng có lần đua với Quang trên Sa Pa, Quang đi lạc, Hùng đuổi theo hơn 2km muốn tắt cả thở chỉ để bảo rằng Quang đang đi lạc, rồi 2 tay đó rủ nhau quay lại và lại đua với nhau, rồi một ông ngã xuống ruộng sụn lưng, một ông về đích trong tình trạng đụng tường.
Nhưng tóm lại, tôi đã không biết câu chuyện đó và nhờ Quang đánh dấu đường chạy cho các vận động viên của Cúc Phương. Quang cầm mấy bao tải marker đi và phụ trách toàn bộ cung 42, 25, 10, tôi đánh dấu cung 70 còn lại. Vào ngày đua, Hùng Hải khi đó chưa làm cho Race Jungle đã đua 42km và đi lạc và bị vượt mất 2km nên phải đuổi theo vượt lại anh Tây về nhì trong cơn phẫn nộ! Lần đầu tiên lạc trong đời đi đua của hắn (nếu không tính lần đuổi theo Quang). Rất may, nguyên nhân không phải là do Quang đánh dấu kém, mà là do người dân đã tháo dây ra rồi tự đánh dấu dẫn vào một khe núi cụt đường... Giải đấu năm đó kết thúc tốt đẹp trừ phần nhà vô địch 42km lạc và màn chờ thuyền SUP ở sông Bưởi. Năm sau nữa, Hùng Hải trở thành pioneer của Race Jungle vì tôi phát hiện ra tay này cực kì nhạy bén về đường xá và định hướng, càng vào rừng, càng nhạy, cứ như thể não hắn lắp cái la bàn vậy.
Nói thêm về pioneer - tiên phong, đây là một vị trí đặc biệt trong Race Jungle, nhiệm vụ của người này là đi trước, vẽ đường, nối thông các định tuyến, tinh chỉnh và lấy hết thông tin của đường chạy cuối cùng về để giám đốc giải đấu lập kế hoạch triển khai. Nói thế kể cũng nghiêm túc, thực chất, pioneer của Race Jungle ôm một con bán tải, chở một con cào cào, đi khắp nơi, rồi về đưa tracklog để cho đám ở nhà tha hồ mà nối.
Tôi và Hùng đã đi một chuyến vào cuối 2022 và nối được một tuyến siêu đẹp từ Yên Thủy vào đúng cây Chò ngàn năm (giờ chết khô rồi), nếu nối được một tuyến nữa từ Thạch Thành vào đường lõi nữa thì gần như cuộc đua sẽ trở lên kì thú bậc nhất ở khu rừng già nhất Việt Nam. Vậy là vào một ngày đầu năm 2023, Hùng Hải dẫn theo con gái hờ của hắn đi nối tuyến để cắt vào lõi rừng Cúc Phương. Thời tiết hôm đó khá ẩm ướt, mát nhẹ, 2 bố con đi từ sáng, gần trưa thì tới đầu điểm tuyến khảo sát, kể từ chỗ đó, sóng điện thoại sẽ không còn nữa. Tới tối hôm đó, tôi không thể nào gọi điện cho cả hai được. Trong khi tôi liên tục bị người yêu của Hùng Hải gọi để giục xem phương án tìm kiếm hai người kia là gì. Tôi đoán chắc là với kiểu đi như này, tuyến đã không thông, không những thế, 2 người kia chắc chắn đã lạc ở trong rừng. Theo tính toán của tôi, nếu họ tìm một điểm có thể đốt lửa trong rừng và ngủ trong đó, lương thực mang đi không phải vấn đề, nhưng rừng Cúc Phương không có suối nổi mà chỉ toàn suối ngầm dưới nền đá vôi nên sẽ không có nước. Cả 2 đều là dân ultra nên tôi trấn an người yêu của Hùng và hẹn trưa hôm sau mà vẫn chưa gọi điện được thì sẽ tổ chức tìm kiếm.
Chúng tôi đến Ninh Bình vào trưa hôm sau, ngoài tự trang bị đồ để vào rừng lần theo dấu vết hai người kia tôi cũng chuẩn bị huy động một đội đi rừng để nhờ họ đi tìm 2 người về trước khi trời tối. Thời tiết khi đó vẫn ẩm ướt, kèm mưa nhẹ, gió lạnh sẽ ập tới vào ban đêm, nếu như thêm 1 đêm nữa ở trong rừng sẽ không hề ổn tí nào. Rồi điện thoại có tin nhắn, họ đã tới chỗ có sóng, nhắn tin ra rằng đã trở về an toàn và đang ăn chiều sau hơn 30 giờ lạc sâu trong rừng thẳm. Giờ họ sẽ lái xe về, tuyến đường không thể đi được, họ đã phải trèo qua một vách núi dựng đứng mới vào được lõi. Từ lõi đó, họ đi bộ 12km đường mòn nữa mới trở về được bìa rừng nơi có nhà người quen để nhờ nấu cơm giúp. Từ Ninh Bình, tôi chở bạn gái Hùng Hải về, suy nghĩ về cung đường 100km đẹp như mơ mà tôi nghĩ tới mà bế tắc trắng tóc, nhưng tôi chợt lóe lên một ý tưởng điên rồ khác, một lý thuyết trò chơi mà có thể sử dụng được trong trường hợp này.
3 cuộc giải cứu
1. Bế tắc ở đỉnh Mả Vua
Mùa hè 2018, tôi và Race Jungle làm một cuộc đua gây quỹ cho Operation Smiles ở làng Chóng - Yên Bài ở huyện Ba Vì. Mấy lần lên đây làm đường, tôi thấy có một đỉnh núi rất đẹp, không quá cao chỉ tầm 500m nhưng thoáng mát và ngắm cảnh từ trên đó thì rất đẹp. Cuộc đua đó là Loop Ultra Trail, mỗi vòng 13km leo gắt xuống gắt và toàn vắt! Ai đi đua lần đó cũng máu me be bét. Cuộc đua xuất phát lúc nửa đêm và kết thúc lúc 3 giờ chiều hôm sau. Đúng ngày đua, tôi sốt li bì và chui vào xe nằm rên hừ hừ trong đó không hiểu vì lí do gì, rất có thể là vì tập luyện quá tải. Khi tỉnh dậy sáng hôm sau, tôi chỉ thấy các vận động viên nằm la liệt khắp nhà sàn chỗ chúng tôi làm, ai nấy xơ xác, mặt cắt không còn hột máu.
Anh Phí Hải Quý, tức Quý Rùa khi đó là người đánh dấu đường chạy kể lại một đêm kinh hoàng, ngay sau khi xuất phát được gần 1 tiếng, Quý nhận được yêu cầu đi giải cứu một vận động viên rất béo ở trên đỉnh Mả Vua - đỉnh núi này có tên như vậy thì nó là nơi chết của một con rắn hổ mang chúa đã từng giết nhiều trâu bò. Quý và Văn Hùng - sau này tạo dựng lên chuỗi FitCity đình đám lên đỉnh, sau đó phải xốc nách anh kia xuống vì anh quá sợ cái dốc đó. Anh bị lâm vào tình trạng không thể đi tiếp được vì cứ tụt xuống 1 bước là ngã! Anh leo lên lại trên đỉnh Mả Vua, hoảng loạn và cần người của ban tổ chức phải có mặt ngay lập tức để hỗ trợ.
Cuộc giải cứu đó thành công, do đi chậm, 3 người bị vắt cắn đỏ hết cả chân và cơ bản là cả 3 đều gần như kiệt sức. May mắn không có thêm trường hợp nào khác, mà nếu có thì chắc cũng chịu thua vì sau ca của anh, những người có khả năng chỉ còn là những runner đang đua ngoài kia mà thôi! Thật may mắn, cuộc đua kết thúc với chỉ hơn 10% số người tham gia hoàn thành, đa số bỏ cuộc từ vòng 2 nên không có thêm chuyện gì đáng kể khi mọi người leo mộ rắn chúa hết.
2. Người vợ đáng thương
Khi mà Race Jungle làm giải 100km lần đầu tiên, nhìn chỉ số, ai cũng bảo dễ, nhưng hóa ra, dễ về độ leo, nhưng lại cực khó về kỹ thuật. Bỗng nhiên vào một ngày đầu tháng 4 mưa dầm dề, Cúc Phương trở thành giải đường mòn khó hoàn thành nhất Việt Nam với tỉ lệ DNF (Did Not Finish) cao ngất ngưởng.
Theo lịch, chúng tôi sẽ xong việc vào 7 giờ tối ngày chủ nhật, sau khi các vận động viên đã về đích hoặc được đón hết về đó. Điểm danh từng số bib một, 100% ai vào rừng thì cũng phải ra khỏi rừng. Nhưng vì trời mưa khiến cho cung đường trở lên khó khăn nên chúng tôi đã nới giờ đua cho phép thêm 2 tiếng nữa. Rồi cũng hết giờ, tôi đi đón được mấy lượt vận động viên về, đa số chửi bới vì đường quá khó, nhiều người cho rằng họ không thể di chuyển được với những khúc đường toàn đá tai mèo nhọn hoắt và trơn tuột. Họ bị bế tắc ở khúc đường mòn lõi rừng đó. Tôi không mấy quan tâm, thứ mà tôi cần biết lúc này là bộ phận dữ liệu của tôi đang huy động khoảng hơn 10 người gọi điện cho những số điện thoại chưa rõ tung tích.
10h đêm, vẫn còn 4 người ở trong rừng. Đó là một con số kinh khủng, một viễn cảnh nhức nhối với bất cứ nhà tổ chức nào. Lúc này, một người vợ của 1 trong 4 người kia khi thấy chúng tôi lọc dữ liệu đã gần như khóc, bởi khi gọi điện tới số khẩn cấp thì đó chính là chị ấy, có nghĩa là anh chồng đang lạc trong rừng. Số bib của anh và 1 người bạn nữa đi cùng anh được xác nhận đã chấm DNF ở một checkpoint ở Yên Thủy, bìa rừng nơi đi thẳng vào lõi rừng chỗ cây Chò, tuyến đường mà tôi và Hùng Hải đã quyết định làm out-back (đi tới 1 điểm và quay đầu về) khi Hùng thất bại trong lần nối tuyến từ bên phái Thạch Thành. Họ cố chấp đi tiếp trong lúc nhân viên và tình nguyện viên ở trạm không để ý với quyết tâm sẽ hoàn thành cho bằng được.
11h đêm, 2 trong số 4 người kia được xác nhận đã về nhà bằng xe ôm mà không báo DNF. Chúng tôi biết được việc đó thông qua việc lục lại hình ảnh của họ lúc lấy bib và xác định người đi cùng là ai... thật may mắn, người đi cùng đã nghe máy và xác nhận cặp đôi kia đã tắt máy ngủ say rồi.
1h sáng, tôi đang ở khu Bống, dàn một mạng đàm dọc đường chạy ở lõi để gọi tín hiệu vào đoàn giải cứu là 5 anh em người Mông vốn được Hùng Hải thuê từ Sa Pa xuống để đánh dấu đường chạy, họ là những người thành thạo đường nhất, đang tản ra để đi gọi trong rừng. Đoàn kiểm lâm đã xong nhiệm vụ ở khúc của họ, đang ngồi bóc những con vắt khỏi chân.
2h sáng, đàm có tín hiệu, Hùng Hải báo: "thấy rồi nhé, vẫn ok, đang cho ăn và uống nước rồi về". Một cảm xúc vỡ òa! Tôi gặp 2 anh kia trong trạng thái gần kiệt sức, hết nước, hết đồ ăn, hết pin điện thoại, hết luôn pin đèn cả hai người... Nếu là tôi, chắc tôi sẽ rất sợ hãi nhưng họ thì cương quyết rằng, họ vẫn dò dẫm đi được dù hơi chậm. Tôi chỉ thấy người vợ đang đợi tin họ thật đáng thương.
3h sáng, sau khi chở 2 vận động viên và chị vợ về khách sạn của họ, tôi quay trở lại với tất cả anh chị em Race Jungle, mọi người ngồi quây quần ở nhà sàn, ăn tối.
3. Kỹ năng sinh tồn đỉnh cao của một bác người Nhật
Ngày thứ 3 trong chặng đua 320km thể thức multi-stage lần đầu được Race Jungle tổ chức, ở đoạn cuối, một vận động viên người Nhật bị hết pin đèn ngay sau khi rời checkpoint cuối của chặng đó, sau đó ông đi lạc vào một nhánh khác không phải đường chạy và người quét đường của giải dẫn theo vận động viên cuối đi qua. Ông cố dò dẫm trong bóng tối để quay lại trạm cuối nhưng không thành công, điện thoại cũng hết luôn pin. Trạm cuối cũng thu dọn và trở về.
Ở đích, niềm vui thường rất lớn cho ban tổ chức mỗi khi người quét đường về tới nơi, nhưng lần này thì khác! Chúng tôi lại bị thiếu mất 1 người...
Buổi tối Cao Bằng lạnh cóng mặc dù đó là tháng 8 mùa hè, nó khiến cho viễn cảnh dò dẫm ở ngoài thung lũng giữa các trái núi nhấp nhô thật đáng sợ. Không có gì kinh khủng bằng việc dính phải vấn đề về thân nhiệt, cả nóng hay lạnh, hạ thân nhiệt đã trở thành một nỗi ám ảnh của biết bao cuộc đua đường núi, vậy nên chúng tôi thường kiểm tra rất gắt gao đồ dùng bắt buộc và mọi cuộc đua đường dài đều cần áo khoác và chăn bạc, đôi khi có cả áo mưa nữa.
Tôi gọi điện trực tiếp cho anh Phó giám đốc Sở Văn Hóa Thể Thao Du Lịch tỉnh Cao Băng để báo cáo tình hình, anh ngay lập tức đi từ thành phố Cao Bằng xuống Thang Hen. Lúc này, đã quen với những trường hợp khẩn cấp, nhân viên Race Jungle mỗi người một việc, soạn sẵn mọi kịch bản từ xấu nhất đến tốt nhất để triển khai. Chúng tôi thậm chí soạn sẵn cả nội dung thông báo hủy ngang giải nếu có gì đó xấu nhất xảy ra. Cái lạnh lúc 9h tối ở hồ Thang Hen lúc này thậm chí có thể nói ngang với mùa đông ở Hà Nội, một cái rét tê tái nhưng bên trong tất cả mọi người chỉ toàn là lửa đốt. Nếu tính từ lần cuối ra khỏi trạm, ông người Nhật kia đã lạc mất khoảng hơn 3 tiếng rồi.
Hùng Hải chia đội của mình ra làm 3, khúc khó nhất phải đi bộ ngược lại đường chạy thì tự anh ấy đi, 2 nhánh tìm kiếm còn lại gồm 1 xe ô tô và 2 xe máy quay lại checkpoint cuối và tỏa đi tìm bằng xe máy kết hợp cả đi bộ. Theo kế hoạch, ô tô đợi ở điểm sâu nhất gần checkpoint còn xe máy sẽ đi xuôi vào đường chạy và kiểm tra các nhánh cho tới khi gặp toán của Hùng Hải. Chúng tôi liên tục báo đàm và nhắn tin tình trạng mỗi vài phút trong tình trạng căng thẳng tột độ.
Sau khoảng 40 phút kể từ lúc triển khai, chúng tôi bắt được ông vận đông viên người Nhật, tin báo về rằng ông vẫn rất tỉnh táo, rét và đói. Tôi gọi anh phó giám đốc Sở, anh đã đi được nửa đường nhưng quá vui mừng và phấn khởi trở về. Chúng tôi mang ông người Nhật lên xe, bật max điều hòa để sưởi ấm ông, đưa ông về khách sạn và chuẩn bị cho ông một bát mì thơm phức nóng hổi. Ông còn sống được là nhờ ngồi im một chỗ kiên nhẫn đợi chúng tôi tới và đã dùng hết tất cả những thứ mà chúng tôi yêu cầu ông mang theo, một cái áo gió, một cái áo mưa, 1 cái chăn bạc, toàn bộ đồ ăn mang theo... tất cả đều đã được bóc ra sử dụng để chống lại cái rét. Chúng đã cứu ông và cũng cứu cả chúng tôi nữa.
Những kẻ bắt nạt
Từ bé đến giờ, mỗi khi có va chạm hay xích mích xảy ra, khi lời nói trở lên vô nghĩa và những cú đấm đã sẵn sàng, việc đầu tiên mà tôi làm chính là bỏ chạy! Người mà tôi thực sự đánh cho xịt máu đầu chỉ có duy nhất anh trai của tôi mà thôi, nhưng đó là đánh lén bằng cái then cài cửa, thật dễ hiểu! Khi còn bé, anh trai tôi có thể được xem là một tay đầu gấu xóm, cá biệt trường hay đại loại vậy. Anh bắt nạt tất cả những đứa oắt con mà anh gặp, tính cả tôi nữa. Vì tính chất gia đình, tôi thi thoảng cũng được anh "bảo vệ" khỏi một lũ cứ nhắm vào tôi mà đấm đá, nhất là khi đá bóng với nhau. Tôi bắt đầu nhận ra sự bắt nạt kiểu như thế này có ở khắp nơi, kể cả tôi cũng hay bắt nạt người khác khi chính tôi đang "bất ổn". Khi đó áp lực hoặc một cái gì đó tương tự bên trong tôi phình to lên và lan tỏa ra cho những người xung quanh, nếu họ yếu, họ sẽ bị cái áp lực đó đè nén và tổn thương, còn tôi sẽ được ổn định tạm thời sự bất ổn đó. Trong suốt những năm tháng làm "sếp" ở Race Jungle, tôi đã dần trở thành một kẻ bắt nạt khét lẹt khi tạo ra những áp lực ngược lên nhân viên của tôi chỉ để tự giúp tôi điều hòa lại chính mình, nhưng vì thế, chính tôi và Race Jungle cũng học được cách thức để tự giảm đi áp lực đè nén lên mình khi bị người khác như đối tác hoặc khách hàng trong tâm trạng không ổn tìm tới chúng tôi để tấn công.
Năm 2019, năm thứ 2 Race Jungle làm giải Kizuna Ekiden, theo kịch bản, ngài Thứ trưởng Bộ Công An sẽ đứng cùng ngại đại sứ Nhật Bản bên cạnh các ngôi sao AKB48 và các vị quan khách quan trọng, các vận động viên nổi tiếng tại cổng xuất phát. Lỗi xảy ra khi trên sân khấu, cuối bài diễn văn của ngài Thứ trưởng, ngài mời tất cả vận động viên và quan khách ra cổng xuất phát, và 20 phút chương trình trước giờ xuất phát ở khu sân khấu như tuyên hệ vận động viên, hướng dẫn khởi động, tặng hoa, tặng quà gì đó tượng trưng... coi như bỏ! Lúc này, đội ngũ của chúng tôi đang làm các thủ tục ở cổng xuất phát bắt đầu hoảng loạn, MC cổng xuất phát lúc này nhận được lệnh từ phía an ninh của Thứ trưởng yêu cầu phải cho xuất phát ngay chứ không thể để các lãnh đạo đứng chờ cho tới đúng giờ lịch trình được! Đây là một tình huống có thể nói cực kỳ căng thẳng. MC cổng đích của tôi cầu cứu tôi.
Tôi cảm thấy rất bất lực, các lãnh đạo đang sắp tới, các vận động viên vẫn ở khu gửi đồ hoặc còn đang thư thái chuẩn bị, đường chạy tuy đã sẵn sàng từ lâu nhưng cũng nhận được báo đàm về việc đẩy giờ... Nhìn quanh một vòng, phiên dịch viên của phía Nhật Bản cũng toát mồ hôi và nhìn tôi. Nếu đẩy giờ xuất phát sớm lên 20 phút, giải chạy coi như đổ bể, vận động viên đến muộn hoặc chưa kịp ra cổng xuất phát sẽ mãi mãi nhớ về giải như một cuộc chạy nhố nhăng. Lúc này, lãnh đạo đã tới nơi, đang bắt tay nhau và đang được các an ninh của Thứ trưởng dàn xếp vị trí đứng ở cổng. Các em gái AKB48 vô cùng xinh xắn đáng yêu cười thật tươi đứng xen kẽ cùng các VIP khác ở hàng đầu, không khí xuất phát ngập tràn, hàng loạt ống kính chĩa vào nháy cành cạch liên tục, âm nhạc được nổi lên càng làm áp lực càng thêm nặng nề. Người đại diện phía khách hàng của tôi, người chi tiền để làm sự kiện này - báo Mainichi của Nhật Bản - nhìn tôi lo lắng. Chúng tôi đã cực kỳ vất vả suốt mấy tháng qua, cùng nhau giải quyết hàng nghìn công việc lớn nhỏ để sự kiện được diễn ra đúng như kế hoạch, vậy mà giờ đây, nguy cơ sự kiện không hoàn hảo đang ở ngay trước mắt.
Tôi quay sang chị phiên dịch viên và kéo chị tới trước cổng, lấy mic của MC và kéo một nhân viên media của giải đi cùng tôi. Tôi bảo chị cứ dịch cho tôi khi tôi nói, và bắt đầu làm hết tất cả những gì có thể làm để kéo dài thời gian. Tôi phỏng vấn thần tượng AKB48 nhí nhảnh, nhưng câu trả lời của cô ngắn gọn quá như thể sợ làm mất thì giờ của mọi người, tôi mời vài runner phía Nhật Bản phát biểu cảm xúc, rồi vài runner Việt Nam. Mấy anh an ninh bắt đầu khó chịu với tôi và lườm tôi như là bảo "mày định để Thứ trưởng đợi 20 phút đó hả?" và tiến tới nói nhỏ vào tai tôi "cho xuất phát đi", tôi gật đầu lia lịa và lại nở nụ cười thân thiện. Lúc này vẫn còn gần 10 phút nữa, tôi giở tiếp chiêu trò kêu gọi tất cả các vận động viên tiến tới cổng xuất phát và các thành viên đội Kizuna vào khu lều chờ, tôi yêu cầu họ chỉnh lại trang phục lần cuối, rồi tôi nhờ họ tạo các tư thế giơ tay, vẫy tay hoặc cùng hô vang một vài khẩu hiệu của giải bằng tiếng Việt và tiếng Nhật để báo chí truyền hình quay phim và chụp hình. Trò làm đi làm lại vài lần, tôi nhờ cả các quan khách và cả ngài Thứ trưởng cũng phối hợp để tạo ra một hình ảnh thật đẹp và đáng nhớ. Lúc đó chỉ còn 5 phút nữa mới chuẩn giờ xuất phát giấy tờ. Có lẽ cũng phù hợp để bắt đầu màn cuối, tôi hỏi rằng tất cả đã sẵn sàng chưa và nhờ phiên dịch nói to ở trên loa. Không khí hào hưng cứ như thế được duy trì suốt 15 phút qua, tiếng nhạc bắt đầu được cho bé dần lại để chờ hiệu lệnh đếm của tôi.
Chuẩn mực của tôi đã nói nhiều lần với anh chị em Race Jungle, mọi lịch trình có thể điều chỉnh cho phù hợp tình hình, riêng giờ xuất phát công bố cuối cùng phải tôn trọng cho đến khi xuất phát. Nếu có lệch, thời gian cho phép là dưới 1 phút. Lúc này vẫn còn 3 phút nữa, tất cả chờ tôi đếm! Tôi không đếm mà quay sang điều khiển đường chạy lúc này đang được các tình nguyện viên bắt đầu dẹp dần cánh phóng viên và cổ động viên vào hai bên lề. Tôi hỏi lại xem tất cả vận động viên đã sẵn sàng chưa thêm một lần nữa, tôi cũng hỏi tình nguyện viên đã vào hết vị trí chưa, media đã sẵn sàng chưa và đủ thứ khác đã sẵn sàng chưa. Đồng hồ của tôi nhảy từng giây mệt mỏi, cánh an ninh lúc này đã thôi không còn gây áp lực nữa mà chấp nhận để cho tôi điều tiết chương trình.
Cuối cùng, còn 1 phút, tôi yêu cầu giảm hết cỡ nhạc, kêu gọi mọi người cùng đếm ngược từ 10 xuống như bao lần xuất phát, nhưng hết sức chậm rãi! Tới KHÔNG, xuất phát! Tất cả mọi thứ nuột nà, không thấy sự khó chịu nào của các vị lãnh đạo, đại diện báo Mainichi vuốt mồ hôi mặt mà quên mất tay kia có khăn tay, tôi cạn kiệt toàn bộ năng lượng và phải ngồi thở một lúc mời hoàn hồn, chỉ huy lực lượng công an lên chạy giải khen tôi làm rất tốt. Tôi đã thật sự làm được.
(còn tiếp)
Race Jungle "trúng" khá nhiều hợp đồng tổ chức giải chạy, đa số đều là những ý tưởng "không mấy ai nghĩ tới", sau khi hoàn thiện ý tưởng, chọn một cái tên phù hợp nữa thì nó trở thành một giải đấu quá hay, quá ý nghĩa. Ở phần tiếp theo, tôi sẽ kể về những ý tưởng sáng tạo giúp cho Race Jungle trúng thầu tổ chức giải ngay lập tức mà khách hàng của chúng tôi gần như không chỉnh sửa concept chính của ý tưởng tí nào.