Race Jungle - Giải chạy ở landscape đẹp nhất Việt Nam

Những “chiến sĩ” ngã xuống! (p4)

Những “chiến sĩ” ngã xuống! (p4)

Câu chuyện thực sự của tôi bắt đầu từ năm 2014, khi đó tôi đã thử cố chạy một vòng Hồ Tây sau một ngày làm việc căng thẳng trên văn phòng ở Hoàng Hoa Thám. Mất hơn 3 tiếng mới hoàn thành, trong cơn đau đớn của lần đầu làm chuyện đó… tôi còn tự tưởng mình vừa chạy đến 20km. Kể từ đó, tôi nhận ra rằng giới văn phòng như tôi lúc đó thật sự rất ảo tưởng sức mạnh và có đôi chút ngáo ngơ về vấn đề sức khỏe của mình. Tôi bắt đầu tự tập chạy và chia sẻ cảm nghĩ và kiến thức mình học được về chạy bộ trong một nhóm gọi là LDR (Long Distance Runners). 300 bài viết đó sau này nhìn lại có phần hơi nhảm nhí nhưng sau đó việc tôi cứ hoạt động suốt ngày như một gã tăng động khiến tôi được mời làm admin của nhóm vì tích cực. Thế rồi, tôi bắt đầu tổ chức những hoạt động chạy bộ cho các anh chị em trong nhóm. Các sự kiện đó dần đưa tôi đến một ý tưởng về sự nghiệp hoàn toàn mới: “tổ chức sân chơi cho người chạy bộ”.

 

Đây là câu chuyện mà anh Đặng Đức kể về quá trình đến với chạy bộ và hình thành Race Jungle, một cái tên đang ngày càng quen thuộc ở Việt Nam với những giải chạy kỳ lạ và cuốn hút! Phần này là một góc rất kịch tính khi anh quyết định ngừng tổ chức nhiều cuộc đua - kết quả tất nhiên của những năm tháng “ngựa non háu đá”. Những “đứa con tinh thần” tưởng chừng là tâm huyết nhưng cuối cùng đã bị Race Jungle chôn vùi không thương tiếc sau khi định nghĩa lại về chính mình.

 

Đọc lại phần 3: Một khu rừng kỳ lạ?

Đọc lại phần 2: Xứ Sở Thần Tiên Vẫy Gọi

Đọc lại phần 1: Đến nơi này sẽ khiến cuộc đời bạn "quay xe"

 

Cho đến năm 2015, tôi thực sự đã bỏ tất cả công việc marketing và dạy đàn guitar “dạo” để chuyển hết thời gian làm cho một công ty sự kiện có giải chạy bộ. Nhưng chỉ được mấy tháng thì tôi nghỉ. Cho tới bây giờ, có vẻ mối quan hệ của tôi với chị sếp ở đó vẫn không ổn, thực tế chị cho rằng tôi đã copy mô hình tổ chức của chị để lập lên Race Jungle. Tôi không bao giờ giải thích hay diễn giải vì sao lại nghỉ việc để ra lập ra các giải chạy theo kiểu của tôi, tôi chỉ biết rằng, đó vừa là may mắn, vừa là điều đúng đắn bởi tôi mà không làm, sẽ có người khác làm, nhưng tôi tin tôi sẽ làm tốt hơn ở một vài khía cạnh. 

 

“Rồng” non háu đá

 

Thời gian này, tôi tham gia các cuộc đua, từ nhỏ, tới lớn, từ Bắc vào Nam, từ marathon đến chạy đường mòn và tập luyện như thể một vận động viên thực thụ, tôi cũng được một số nhãn hàng quan tâm và tặng đồ, tôi nói chuyện và giao lưu rất nhiều về kiến thức của chạy bộ, giờ đây chạy đã thành lẽ sống của tôi. Thậm chí có lúc tôi phân tích, chẩn đoán chấn thương cho người khác, hoặc đánh giá người này người kia về cách họ chạy, bài tập luyện mà họ đang theo… cứ như thể tôi là một siêu bậc thầy của ngành vậy. Nhìn lại khoảng thời gian đó, tôi thấy mình thật nực cười. Cái cách mà tôi lập ra công ty sau đó không lâu rồi vận hành nó một cách ngờ nghệch cũng là do một kiểu tính cách đó mà ra.

 

Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chính là một bí mật mà gần như không ai biết. Khi tôi còn đang đắm chìm vào những niềm vui mới mẻ của giới chạy bộ trong cộng đồng, khi đó tôi bỏ hết công việc chính vốn đang khá ổn định và kiếm được tiền, rồi nảy ra ý định sẽ tự tìm lấy một công việc mới về chạy bộ để làm.

 

Đó là một quyết định can đảm nhưng nông nổi. Cũng giống như lần tôi bỏ học trước đó để theo đuổi “đam mê”, gia đình tôi thất vọng vô cùng. Nhưng lần này, tôi khá “mạnh”, tôi cứ thế  làm những gì tôi thích.

 

Tôi đi khảo sát ở nhiều nơi, mở rộng thêm nữa những mối quen biết từ bạn chạy, gửi một số hồ sơ của tôi vào một số công ty tổ chức đồng thời làm quen với các công ty tổ chức giải lớn ở Việt Nam khi đó. Một trong số đó là DHA, một gia đình quyền lực với giải chạy mà họ làm lần đầu là bán marathon ở Hạ Long và chuỗi giải chạy sắc màu nơi mà một đám trẻ chạy khoảng 2km nhưng ném bột màu tung tóe vào nhau khá là vui nhộn. Tất nhiên tôi chả vui vẻ gì với việc bê hàng tấn bột màu, áo phông hay đồ đạc dụng cụ như một tay bốc vác chuyên nghiệp ở những sự kiện kiểu như thế. Thứ mà tôi thích thú nhất chính là đi vẽ lại đường chạy mới cho giải marathon ở Hạ Long. Cung đường đó về sau được khen rất nhiều, nhưng khi tôi đề xuất tăng lương cộng với việc tôi cần được giao phụ trách nhiều việc chuyên môn và quan trọng hơn là đi bốc vác thì không được chấp thuận, tôi nghỉ, trước khi giải đó diễn ra.

 

Nhưng điều ngu ngốc nhất không phải là nghỉ việc, ngay sau khi nghỉ một thời gian, tôi lập ra Race Jungle, quay trở lại Hạ Long, nhận lời của một gia đình vai vế khác ở đây, quyết đấu lại DHA bằng việc tổ chức một giải khác cho nó “xứng tầm” hơn ở nơi được gọi là Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới. Tôi viết ra những yêu cầu khắt khe cho giải, đọc tài liệu của liên đoàn điền kinh, làm thủ tục kỹ càng và lấy những tầm nhìn tốt đẹp để hướng tới, tôi còn mời cả chuyên gia AIMS về đo đường và tư vấn đường chạy (Kim Vivian, về sau Kim trở thành người đo đường các nhiều giải marathon ở Việt Nam nhất trong số các chuyên gia AIMS). 

 

Bộ race kit của giải khi đó gây ấn tượng cực mạnh, áo chạy chất lượng cao với chiếc vest chạy độc đáo kèm thêm một trong số những huy chương được giám đốc sáng tạo của tôi thiết kế đẹp khủng khiếp. Nó đơn giản nhưng tinh tế và thời thượng, phải nó rõ thêm là, thời đó các huy chương cứ như thể người ta vẽ lên đấy một bức tranh tả cảnh rồi sơn lên trông rất quê mùa, nhưng riêng huy chương của Hạ Long Marathon mà Race Jungle làm thì tràn đầy chất nghệ với các lớp 3D thể hiện tầng lớp ý nghĩa trong đó nhưng cũng rất gọn gàng. Giải đấu năm thứ nhất diễn ra thậm chí tôi còn mời được một chân chạy marathon ở Nhật với thành tích ở Hạ Long của anh là 2h22p, anh đánh giá Hạ Long sẽ sớm vươn tầm thành một marathon tầm cỡ thế giới.

 

Vênh lên với tất cả những gì mình đang làm, nhưng thực tế lại vả ngay vào mặt. Tôi nhìn bảng thống kê doanh số bán bib mà chỉ biết xây xẩm mặt mày với con số thê thảm. Cố gắng mãi mới có giấy phép tổ chức, thời gian quảng bá ngắn ngủi, tôi quay cuồng quảng cáo và bán hàng bằng mọi cách có thể, nhưng thất bại. Tình trạng đó thậm chí kéo dài đến tận mùa thứ 2, vẫn là ế, nhưng đi kèm thêm khâu tổ chức kém hẳn đi! Đỉnh điểm của sự thất vọng đến khi mà mọi yếu tố thuận lợi trước đó đều quay lưng với Race Jungle. Chính quyền cũng không mặn mà gì, địa điểm ở Tuần Châu mà tôi liên kết thể hiện vai trò kém quyết liệt trong sự kiện và để mặc cho một đám tình nguyện viên trẻ măng toàn sinh viên phải đứng ra điều khiển giao thông và nghe tài xế chửi bới, tôi bùng nổ trong cơn giận giữ và thất vọng.

 

Tôi quyết định dừng tổ chức Hạ Long ngay sau mùa thứ 2.

Hội An không ngủ quên nhưng lỗi hẹn

 

Khi phải dừng giải Hạ Long Discovery Marathon lại, tôi ấp ủ một giải đấu tương tự, ở một nơi cũng phải tầm “di sản” của UNESCO. Tôi nhắm đến Phong Nha ngay sau một lần tới đây cũng là để chạy một giải marathon mà đơn vị tổ chức là một nhãn hàng rất lớn để quảng bá, tất nhiên là chất lượng giải thì cực tệ..

 

Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng mang lại một luồng không khí mới mẻ lạ lẫm cho Quảng Bình Discovery Marathon, nó có chất liệu dọc cung đường độc nhất vô nhị trên thế giới. Cũng giống như Cao Nguyên Đá Hà Giang, sẽ là một sản phẩm xuất sắc bậc nhất khi được trải nghiệm, đến mức nhân viên của tôi đã nổi da gà khi sau 4 ngày khảo sát, tôi không chốt bất cứ cung đường nào để làm, nó chỉ đến khi trong một buổi trưa, đi qua những cây cầu treo đã quá chán nản, dừng ở đến bến đò lịch sử, tôi chỉ vào đó và chọn đó là đích đến, ở tít bên kia sông, nơi mà mọi vận động viên về đích sẽ được đưa về bằng đò.

 

Sau mùa đầu tiên của Quảng Bình năm 2019, tất nhiên điểm đến tiếp theo là một di sản khác, Hội An. Mặc dù được ủng hộ hết mình, phố cổ Hội An quá bình thường để gắn vào đó yếu tố khám phá vốn lúc đó đã bắt đầu ăn vào sự cá biệt của Race Jungle. Tôi cùng Diễm, cũng một công dân cũ của Đà Nẵng phải mất tới 9 lần tới đây mới vẽ ra được một cung đường “tạm được”. Rồi một biến cố xảy ra, Hội An hủy trước ngày chạy một hôm, chúng tôi trở về và phải tự cách ly, đi kèm với một quá trình đóng băng để bảo toàn lực lượng suốt hơn 2 năm. Đó cũng là quãng thời gian trỗi dậy của hàng loạt nhà tổ chức giải khác ở Việt Nam, trong đó có chuỗi giải đình đám của Vnexpress với vô cùng nhiều tiềm lực như năng lực truyền thông, bán hàng và cả tài chính. Rất tiếc về sau này, Vnexpress thay đổi nhân sự, những người mà tôi cho là sáng tạo nhất và “hiểu” khách hàng nhất ra đi, để lại một hệ thống giải đấu dần nhạt nhòa và khá giống với chuỗi nhà hàng gà rán, nghĩa là xuất hiện khắp nơi, cùng một kiểu và rất công nghiệp. 

 

 

Nhưng điều không ngờ tới nhất, những gì mà tôi cố làm ở Hội An cũng mờ nhạt không kém và bị đánh đồng giống với các giải chạy kiểu “công nghiệp”. Mà đã “giống” với ai thì người ta sẽ đem nó ra so sánh, chê bai, thậm chí có người chạy xong rồi còn định đòi lại tiền… Thậm chí, một cán bộ văn hóa của tỉnh còn “tâm sự” với tôi rằng, em hãy tổ chức lại cho thật tử tế, chạy những cung đường đi qua phố cổ nhiều hơn, đừng đi qua những chỗ khù khoằm nữa. Mặt kinh doanh, không giống Hạ Long và Hà Giang cứ lỗ vốn liên tiếp, Hội An chạm ngay mức có lãi, không chỉ bởi số lượng lớn vì giải dễ tiếp cận và có tài trợ, nhưng tôi cũng không còn mặn mà nữa. Tôi nhận ra một điều cốt lõi, tôi đã biết mình phải làm gì, tôi biết vùng đất nào cần chúng tôi, tôi biết rõ bộ gen của Race Jungle và sứ mệnh gìn giữ nó sẽ bước tới bờ vực nếu tôi không “kìm lại” mà cứ cho Race Jungle phát triển với chiến lược quả mít như thế. 

 

Vậy là một dây đàn nữa đã đứt. Tôi quyết định dứt khoát bỏ Hội An, một giải mà trước đó tôi khá tâm huyết.

 

(còn tiếp)

 

Có nhiều địa phương và cả doanh nghiệp lớn ở đó tha thiết gọi tôi tới khảo sát và quyết tâm cùng nhau tổ chức một giải đấu thường niên ở đó. Tôi không bao giờ từ chối họ, luôn luôn sắp xếp thời gian để đi tới và làm việc cùng để ít nhất biết được thêm một góc nhỏ đẹp đẽ của đất nước. Tôi chấm trên bản đồ những nơi đi qua mình thấy thích và nhiều điểm mà tôi muốn tới. Tôi tin sẽ có một ngày sẽ có một cuộc đua được tổ chức ở những nơi xứng đáng.

 

Race Jungle đã từng trúng thầu nhiều hợp đồng tổ chức ở phố thị, nhưng nếu đó là một giải nằm trong chuỗi giải của riêng Race Jungle, tôi tin rằng nó sẽ phải có bản sắc rất riêng, trải nghiệm phong phú, khung cảnh đa dạng. Sự thật là Race Jungle không tiếp tục cả một giải đấu ở Cầu Đất - Đà Lạt, nơi được khen nức nở, chỉ vì nó có một cung đường hơi “đơn sắc”.

 

Ở phần tiếp theo, tôi sẽ tiếp nối câu chuyện với một trong số những “game” khó vượt qua nhất mà Race Jungle đã tạo ra và sự xuất hiện của một nhân vật quái gở bậc nhất trong giới chạy tham gia vào đội ngũ.

 

(Bài viết này tặng anh Hoa Việt, các bạn có thể ngắm nhìn lại anh trong clip giới thiệu giải Hội An)


 

← Bài trước Bài sau →