Chung quy lại, bạn chạy vì điều gì, tôi không biết, còn tôi đã bắt đầu chạy vì hèn nhát và yếu đuối. Nhưng thật bất ngờ, nó lại chạm đến ước mơ của tôi, khám phá và sáng tạo!
Khi tôi 22 tuổi, tôi được đi khắp miền Bắc, rong ruổi suốt gần 20 ngày cùng một công ty tôi làm thêm để tổ chức một sự kiện từ thiện cho tập đoàn Mai Linh. Tôi đã ước khi có dịp sẽ phải đi khắp Việt Nam để khám phá đất nước này. 10 năm sau, tôi vẫn chưa làm gì để thực hiện ước mơ đó, mặc dù nó ngày càng lớn lên trong tôi, nhất là lúc tôi mới làm giải chạy và thành lập Race Jungle... Đây là câu chuyện mà anh Đặng Đức kể về quá trình đến với chạy bộ và hình thành Race Jungle, một cái tên đang ngày càng quen thuộc ở Việt Nam với những giải chạy kỳ lạ và cuốn hút!
Hôm nay, tôi mới phát hiện ra các bài viết kể về Race Jungle không hề có đầu, có cuối, đọc xuyên vào phần nào cũng được! Bạn có thể đọc lại các phần ở đây:
Trò chơi kích não
Đây là đoạn hội thoại điển hình mà tôi dùng để phỏng vấn một số nhân sự cuối những năm 200x, lúc tôi mới chập chững bước ra làm riêng:
Tôi: Hãy viết cho anh quy trình đi vệ sinh của em? Sạch sẽ nhất có thể!
Minh: ... dạ? (mặt rất sốc).
Tôi: Bắt đầu từ lúc ngủ dậy, em sẽ buồn đi vệ sinh... sau đó tới nhà vệ sinh loại nặng nhé, mở cửa đi vào, đóng chốt cửa, tụt quần, ngồi lên bệ, giải quyết, lấy giấy lau hoặc xịt rửa, kéo quần lên, sau đó rửa tay xà phòng, mở cửa, đi ra khỏi nhà vệ sinh. Xong. Em làm như thế đúng không? Em có làm thế không?
Minh: (Nghĩ ngợi) vâng đúng ạ.
Tôi: Em cải tiến quy trình trên để nó tối ưu hơn đi?
Minh: Em sẽ thế này, em sẽ thế kia, nếu nhà vệ sinh có cái này thì thế này, rồi thế kia... (cơ bản là không đổi gì mấy).
Tôi: Giả sử có một thằng nào đó vào trước nhà vệ sinh đó rồi, và nó không rửa tay mà đi ra luôn thì sao? Tay nắm cửa có thể rất bẩn. Anh nghĩ chắc sẽ đầy nhà vệ sinh như thế nhỉ?
Minh: Đúng ạ, nếu thế thì tay mình vẫn bẩn sau khi rửa tay xà phòng vì sờ vào cửa rồi.
Tôi: Đúng, vậy nên làm sao?
Minh: Mình mở cửa rồi mới rửa tay rồi đi ra.
Tôi: Ô vậy là mình cũng mở cửa ra khi tay bẩn, cứ cho là dính vào đít rồi đi, vậy là nếu có mấy đứa như vậy thì tay nắm chắc chắn bẩn!
Minh: Vâng... Thế mặc kệ nó bẩn vậy, mình sạch đúng tiêu chí là được rồi.
Tôi: Có vẻ sạch lắm rồi, nhưng thực ra người em vẫn bẩn đó!
Minh: Bẩn ở đâu ạ?
Tôi: Thế trước khi rửa tay em đụng vào những cái gì?
Minh: Cái cửa ạ... à và cái quần nữa!
Tôi: Vậy là quần em coi như dính cức rồi!
Minh: (im lặng nghĩ ngợi không cãi câu nào).
Tôi: giờ quay lại vụ cái quần, em nghĩ nên kéo quần lên trước hay sau khi rửa tay?
Minh: Để sạch nhất chắc là kéo sau khi rửa tay anh ạ.
Tôi: Đúng rồi. Vậy chắc cũng nên mở cửa trước khi rửa tay chứ?
Minh: vâng, ơ khoan...
Tôi: Không sao, đề bài là sạch, không phải là ngại.
Minh: Vậy là đi vệ sinh xong, chưa kéo quần vội mà đã mở luôn cửa ra, chưa ra vội mà rửa tay, kéo quần lên rồi đi ra, nhỡ ai đó đi vào nhà vệ sinh lúc đó thì chắc mặt mo luôn!
Tôi: Cứ giả bộ mọi người không ngại chuyện quên đóng cửa đi, khu nam nữ cũng tách biệt.
Minh: Nếu thế em vào vệ sinh không cần đóng cửa luôn anh ạ! Lúc ra khỏi mở. Vậy là bỏ luôn khâu đóng với chả mở cửa.
Tôi: Rất tốt, vậy là em cắt 1 phần đáng kể quy trình đi để đảm bảo tiêu chí quan trọng nhất là sạch, vậy suy ra các nhà vệ sinh không có cửa mới là sạch sẽ nhất đúng không?
Minh: ơ em không nói thế!
Tôi xin dừng lại câu chuyện này ở đây, nó không phải chuyện tôi bịa ra đâu, nó có thật 100%, đây là kiểu hỏi đáp trong các câu chuyện mà tôi hay thực hành để kích não của chính mình và đồng nghiệp. Tôi thực hành nó suốt những năm tháng đầu tiên lúc đi làm để thành thạo phương pháp sáng tạo. Nguyên lý khá đơn giản, cứ việc viết hết quy trình hay mô tả ra, sau đó đảo thứ tự, thêm thắt các bước vô lý nhưng cần thiết vào bất cứ đâu của quy trình, rồi sau đó làm hợp lý hóa toàn bộ nó! Nếu kết quả không trái với "thuần phong mỹ tục" và lại rất có lý, đó chính là một kết quả mỹ mãn của sự sáng tạo. Về sau, chính "phương pháp" này đã giúp tôi sáng tạo trong công việc cũng như trong nhiều giải chạy mà tôi tạo ra.
Thực tế, cái tên "Race Jungle" được ra đời từ một quá trình brainstorming trong khoảng 2 ngày. Tôi đã liên tục tìm kiếm một tên gọi với đích đến là "ngắn gọn, có nghĩa, đọc thuận, dễ nhớ, còn tên miền, có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu". Kết quả là với nhiều tiêu chí khác nhau, đánh giá, kiểm định, điều chỉnh trong quá trình kích não... Danh sách cụm từ cuối cùng cũng cho ra vài tên gọi khá hay, một vài tên lắp ghép tạo ra từ vô nghĩa nhưng lại dễ hình dung, tôi đều mua hết tất cả các tên miền đó cho đến khi thực sự thấy yêu thích cái tên Race Jungle, cái tên có đủ hết tiêu chí kể cả còn tên miền để mua, và tôi quyết định lấy nó để làm nhãn hiệu làm việc chính thức. Logo cũng nhanh chóng hoàn thiện ngay khi hình dung về thương hiệu. Chiếc logo rất khó để gây nhầm lẫn hoặc đọc sai.
Family Ekiden
Giữa 2018, một yêu cầu tổ chức giải dịch vụ cho một công ty khác lần đầu được đưa ra, một giải chạy cho gia đình, từ nhãn hàng bảo hiểm mới thành lập MB Ageas Life. Race Jungle khi đó vừa đúng lúc tiêu gần hết toàn bộ tiền mặt góp vốn của công ty non trẻ cho giải Hà Giang, và vừa hay lại không đòi được nợ từ một khách hàng giải Hạ Long nên nếu không trúng thầu hợp đồng đó thì nguy cơ cao là giải tán.
Đội ngũ khi đó chỉ có 4 người, đã cùng nhau tìm một ý tưởng sáng tạo và lập một bản đề xuất tổ chức bằng văn xuôi dài tới cả chục trang A4 để mang sang trình bày với khách hàng. Vậy mà khách hàng cũng đọc hết bản đề xuất đó và buổi trình bày xoay quanh các câu hỏi tổ chức rất chi tiết. Sau đúng một buổi như thế, gần như khách hàng ưng thuận và thống nhất triển khai mà không có mấy điều chỉnh. Tên giải đấu "Family Ekiden" cũng ra đời.
Thể thức thi đấu của giải là các đội đấu với nhau, mỗi đội là một gia đình gồm 4 thành viên, chạy 6 vòng quanh Hồ Gươm, trong đó người đi lượt đầu là mentor - người thầy, người hướng dẫn - chạy 2 vòng. Lượt thứ 2 là mother - mẹ, chạy 1 vòng. Lượt thứ 3 là con hoặc những đứa con, có thể chạy cùng mẹ hoặc cha 1 vòng. Lượt cuối cùng là father - cha, chạy 2 vòng. Ý nghĩa của lượt chạy cũng là cách mà một gia đình nề nếp vận hành, xoay quanh những đứa con, người thầy bao giờ cũng gắn chặt với gia đình, đi trước, mang tới những kiến thức và gợi ý. Người mẹ khích lệ và làm mẫu cho con tự tin hơn, cuối cùng người cha sẽ là người gánh vác những trọng trách và kết thúc thử thách khó khăn trong sự cổ vũ của cả nhà.
Family Ekiden tính thành tích vừa cho cả đồng đội lẫn cho cả cá nhân phức tạp nên đó cũng là một bài học to lớn trong lần đầu làm giải kiểu đồng đội nhưng có cả thành tích cá nhân, đến mức anh chuyên viên "Tây" của đối tác tính giờ cũng căng thẳng tột độ khi bảng kết quả và xác minh hình ảnh rối tung rối mù lên. Lễ trao giải suýt nữa thì phải tạm hoãn lại vì kết quả không thể xác định dễ dàng như mong đợi chưa kể những người đạt giải "bỏ đi" đâu đó chưa thể về ngay được để kiểm tra và xác nhận. Kể từ đó, Race Jungle thực hiện xác minh giải rất kỹ càng và người có giải luôn phải có mặt chờ để lên bục nhận giải tại chỗ chứ không bao giờ cho phép nhận giải sau.
Vài tháng sau, cũng chính vì làm một giải Ekiden chính thức đầu tiên ở giữa Bờ Hồ, Race Jungle tiếp tục nhận được một hợp đồng làm Ekiden với các hạng mục giải thưởng hóa ra còn phức tạp hơn. Đó chính là Kizuna Ekiden do báo Mainichi của Nhật Bản tổ chức theo chuỗi ở các nước Đông Nam Á nhằm tăng cường quan hệ hợp tác và tuyên truyền về an toàn giao thông. Lần này bản thuyết trình cũng vẫn còn rất đơn giản, nhưng đủ ý và cực kỳ hợp lý vì nó phù hợp hoàn toàn với cách thức và quy chuẩn tổ chức Ekiden thường diễn ra ở Nhật. Chúng tôi nhanh chóng được đối tác chấp thuận và ký kết hợp tác lâu dài. Chuỗi giải này duy trì cho tới năm thế giới đảo điên vì dịch Covid-19.
Tham lam bất tử
Khi làm giải chạy, cám dỗ lúc nào cũng xuất hiện và phải kìm lại. Chỉ cần có một vài lời mời quá hấp dẫn là tôi sẽ lên đường, dành một vài ngày chạy quanh những vùng đất đó kể cả có đi một mình. Trong những năm tháng làm giải tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi để tập vẽ route, cứ chỗ nào có thể đến được là tôi sẽ vẽ đường chạy và chạy thử đường mình vẽ, tinh chỉnh, hình dung về một giải chạy trên cung đường đó. Hình dung từng chỗ một trên đường với cảm xúc cũng như điểm đặt trạm, hậu cần, đánh dấu, các "cú lừa" hoặc cách đốt sức người chạy. Tôi cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc phân phối sức và dinh dưỡng trong quá trình chạy nên các kiểu cách đốt sức như thế nào trên đường hoặc cố tình "gây khó chịu" trên đường tôi rất thích thú nghiên cứu để áp dụng. Có lần, tôi dẫn đường chạy Cúc Phương cố ý tránh một cây cầu mà băng qua một con suối để làm cho vận động viên bị ướt chân, sau đó khi giày vừa ráo nước thì tôi lại cho lội qua một con suối khác, nhưng "ý tưởng" đó bị Hùng Hải cho là tham lam, nên cắt luôn cả 2 con suối đó làm tôi khá thất vọng.
Route chạy thú vị luôn luôn được tạo dựng bởi 3 yếu tố: khung cảnh (landscape), kỹ thuật để băng qua, độ gắt của địa hình (leo nhiều hoặc ít leo), thông thường sẽ có thể "tô điểm" thêm bởi thời tiết, nếu bất lợi thì thời tiết sẽ làm cho độ khó tăng lên gấp bội, nhưng cũng chính thời tiết có thể làm cung đường trở lên dễ chinh phục hơn. Nó khác biệt giải chạy ở đường phố khá nhiều ở điểm đó.
Đôi khi ý tưởng sáng tạo cũng hay ho, nhưng mà nếu làm không tốt sẽ đổ bể kinh khủng và mãi mãi trở thành một điểm đen trong cuộc đời làm giải. Mùa đầu tiên của giải Cúc Phương chính là một trải nghiệm như vậy. Tôi cố tình rẽ đường chạy vào bờ sông và mời đối tác chuyên SUP tour của tôi cung cấp thuyền để vận động viên tự chèo khoảng 700 mét dọc bờ sông. Tôi bố trí nhiếp ảnh gia, khúc đó đi qua một cái thác ngang đổ xuống sông, có thể nói là khúc đẹp nhất của con sông đó. Trải nghiệm của những người đầu tiên thật xuất sắc, nhưng 200 người còn lại trong tình cảnh chờ đợi thì không hề vui vẻ một chút nào! Điều tôi không tính tới được là, vận động viên chạy bộ đường mòn sẽ khó mà có thể đứng vững trên một chiếc thuyền chòng chành chứ đừng nói tự chèo đi 700m theo ý tưởng của tôi. Sau đó, đối tác của tôi huy động tất cả thuyền máy phục vụ ở đó để chở vận động viên đi, khung cảnh chen lấn hỗn loạn đó cùng với cảnh mọi người đùn nhau xuống sau 2 đến 3 tiếng chờ đợi gây mất an toàn kinh khủng, rất may không có gì nguy hiểm xảy ra! Tôi cũng không bao giờ dám nghĩ tới ý tưởng chạy trail kết hợp chèo thuyền vượt địa hình như thế một lần nào nữa!
Ngoài những ý tưởng cài cắm bất tận ở những cung đường mòn, tôi cũng đam mê sáng tạo cả những concept (khái niệm, mô hình mẫu) của những giải chạy ngắn, băng đồng, tốc độ. Việc đó đã giúp ích tôi khá nhiều trong thời gian sau này khi thuyết phục những khách hàng "làm giải" cho cộng đồng nhưng phải có một "mô hình giải" độc đáo và hay ho.
Ông Trời làm tội anh chưa!
Vào năm 2019, quá bất mãn với các cổng đăng ký hiện tại và cũng là không chấp nhận được việc phải chịu đựng một hệ thống quản lý vận động viên không ổn, tôi làm việc với VNG (team 123go, nay là TrueRace) và ra đề bài về một hệ thống đăng ký và quản lý tiến bộ hơn, quy trình đăng ký và quản lý vận động viên này tôi đã tham khảo và học rất kỹ từ một số giải đấu quốc tế, trong đó có giải Singapore Marathon mà tôi đã chạy nhiều lần. Nhưng sau khi viết xuống cụ thể cả logic toàn bộ hệ thống và nhu cầu, Race Jungle đã nhận được sự từ chối do hệ thống mà tôi viết ra có vẻ quá phức tạp. Tôi bắt đầu tinh gọn lại hệ thống, bổ sung thêm các tích hợp hiện đại hơn theo nhu cầu và tìm kiếm một đội lập trình để làm việc về vấn đề này.
Mỗi lần điều chỉnh quy trình và cập nhật logic, tôi đều mời chuyên viên luật từng vấn đề tư vấn tính chất phù hợp của pháp lý, nên cuối cùng mỗi bước của hệ thống thực hiện đều có tính phù hợp quy định của pháp luật. Tôi đã hoàn thiện phần thiết kế hệ thống, lúc này cũng có một đội code (cũng của chính VNG) làm trong mảng học máy mời tôi bổ sung thêm tính năng eKYC. Đó là tính năng có thể nhận diện người trước camera xem có khớp với các giấy tờ tùy thân hay không. Chi phí tích hợp cũng chấp nhận được, họ cũng sẵn sàng lập trình hệ thống cho tôi với giá cả rất ổn nhằm bán được dịch vụ tích hợp eKYC cho hệ thống lẻ bên ngoài. Tôi ký hợp đồng!
Cùng lúc đó, một sếp truyền thông của Viettel Telecom liên hệ với tôi và đặt ra đề bài về một giải chạy "đậm chất" Viettel. Anh băn khoăn về một giải ekiden, nó quá hay nhưng lại không phải độc đáo nữa rồi, tôi gạt luôn ekiden đi và hiến cho anh kế tổ chức một giải đấu tốc độ cự ly ngắn, lấy tên là Viettel Fastest X. Giải chỉ có 10km và được chia ra làm 3 hạng với thời gian cho phép từ cực gắt đến cực dễ, được đo đạc tiêu chuẩn và đặc biệt là áp dụng hệ thống mới vô cùng hiện đại của tôi đang lập trình sắp triển khai xong với đủ những thứ nào AI, nào eKYC, nào ký điện tử, nào tăng tốc độ phát kit lên khiến thời gian chờ giảm còn 10s khi phát bộ kit, rồi album ảnh tự động, tự nhận diện gương mặt. Khỏi phải nói, anh đồng ý ngay lập tức, tất cả những thứ tôi mất nửa năm triển khai với khối lượng chi phí và công sức khổng lồ ngay lập tức sẽ được áp dụng. Lúc này hệ thống đang đi vào giai đoạn kiểm tra sửa lỗi, gần như mọi thứ đã sẵn sàng thì tôi vấp phải một vấn đề lớn mà tôi chưa có chút kinh nghiệm nào, đó là phải vượt qua vòng đấu thầu của Viettel. Việc này về cơ bản rất khó đối với một công ty non trẻ vì ít kinh nghiệm, nhưng với điều kiện đưa ra là đã từng làm những giải lớn tương tự, thì chúng tôi là có thừa. Cuộc chiến đấu làm thầu bắt đầu với muôn vàn điều mới lạ mà lần đầu chúng tôi biết tới, vượt qua các đối thủ hoàn toàn về giá (thực tế chính các đối thủ cũng đi tham khảo chúng tôi về giá nên không thể "xịn" bằng mức giá của Race Jungle mang ra chào được), do đó chúng tôi trúng thầu và cùng Viettel làm ra một giải đấu đáng nhớ nhất cho runners thủ đô.
Qua năm thứ 2 của Viettel Fastest, chúng tôi cập nhật một số hạng mục và lại dẫn đến một sai lầm ngớ ngẩn, đó là luật khi vận động viên về đích ở hạng thấp với thời gian quá nhanh, vận động viên đó sẽ được tăng hạng và không xét giải nữa! Nỗi khổ mới lại xuất hiện, hàng loạt vận động viên ở 2 nhóm dưới đứng chờ trước cổng đích mà không chịu băng qua, nó tạo ra một khung cảnh hơi phản thể thao và gây ra tranh cãi gay gắt về thứ hạng và tính khuyến khích gốc của thể thao: "nhanh hơn", nhưng chỉ vì giải thưởng, họ không chịu băng qua đích mà lại chờ rất đông ở cổng đích đợi quá giờ nâng hạng tự động. Quả thật chúng tôi đã có tính đến những trường hợp này, nhưng chúng tôi cũng đặt niềm tin rằng các runner sẽ không làm như thế đâu, nhưng chúng tôi đã sai hoàn toàn! Tôi khá đau khổ chuyện này, rõ ràng ý tưởng sáng tạo giải đó quá hay, nhưng khâu hoàn thiện từng phần của giải, nhất là luật sẽ luôn luôn phải xem xét kỹ lưỡng hơn nữa từng điều luật mới tìm ra sự hợp lý của trò chơi. Ngoài những điều đó ra, mọi thứ thật hoàn hảo, hệ thống được đánh giá cao, chất lượng tổ chức giải tuyệt vời, hình ảnh truyền thông xuất sắc và khách hàng vô cùng hài lòng. Tôi cũng mang giải đấu và cái hệ thống mà tôi khổ sở như giời đày kia đem khoe khắp nơi đầy tự hào. Cho đến giờ phút đó, Race Jungle gần như là một ban tổ chức có hệ thống hoàn thiện và đầy đủ nhất, ít phải thuê ngoài nhất phần công nghệ trong số các ban tổ chức giải ở Việt Nam.
Đến khi hệ thống đăng ký giải của tôi hoàn thiện, tôi nhận được thêm rất nhiều hợp đồng thuê hệ thống nữa vì nó quá hữu ích và phù hợp cho nhiều sự kiện. Điển hình có cả sự kiện hàng nghìn ô tô tới xếp hình ở một khu du lịch, hệ thống Race Jungle cũng đáp ứng được. Tôi tiếp tục hoàn thiện hệ thống để nó thậm chí có thể phù hợp cho cả ekiden và mọi loại hình sự kiện tập trung lớn cần kiểm soát. Nhưng rồi đùng một cái, cuối năm 2023, tôi giải tán toàn bộ hệ thống vốn đã bắt đầu quen thuộc với hơn 30 nghìn vận động viên để sử dụng dịch vụ của một cổng đăng ký mà tôi cảm thấy ưng ý nhất từ trước đến nay, do một cậu em cũng là runner, từng làm bán thời gian ở Race Jungle lập ra!
(còn tiếp)
Cốt lõi vận hành của Race Jungle không phải là hệ thống công nghệ! Nếu cố đâm sâu vào nó, Race Jungle có thể sẽ dần trở thành một công ty chạy theo công nghệ. Tôi không muốn thế! Trong thời đại của AI làm thay mọi việc, thứ mà không một AI nào thay thế được đó là trải nghiệm và cảm xúc trên 5 giác quan cộng thêm 1 tính quan (cảm giác bên trong quy định bởi tính nết và thông tin cảm xúc bên ngoài). Trong phần tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục kể về nhân tố quan trọng bậc nhất của Race Jungle.
(Tặng Huệ Chi)