Một tấm chiếu mới hoàn toàn với loại đường đua mới, một kiểu sai lầm nối tiếp sai lầm khiến cho tôi phải trả giá đắt cả về tình cảm lẫn tiền mặt… Con số lỗ khổng lồ ở Cao Bằng có thể gây ra choáng váng cho bất cứ ai nghe. Race Jungle thậm chí đã “được” cho là đang r.ử.a t.i.ề.n. Nhưng điều quan trọng, tôi đã đánh mất đi một trong những nhân sự đi cùng tôi suốt những năm tháng khó khăn nhất.
Đây là câu chuyện mà anh Đặng Đức kể về quá trình đến với chạy bộ và hình thành Race Jungle, một cái tên đang ngày càng quen thuộc ở Việt Nam với những giải chạy kỳ lạ và cuốn hút! Ở phần tiếp theo này, anh kể về những khó khăn khi thực hiện cuộc đua nhiều chặng ở “Xứ sở Thần Tiên”. Đây là concept cuộc đua nhiều chặng Multi Stage, diễn ra nhiều ngày liên tiếp, mỗi ngày là một chặng ultra và chỉ riêng ngày cuối đã là một cuộc đua siêu đường mòn thông thường với thêm 4 cự ly khác và hàng trăm người tham gia mỗi cự ly. Cuộc đua khốc liệt đó đã làm “hao binh tổn lực” của Race Jungle như thế nào, nhưng trong khoảnh khắc vô cùng khó khăn, Race Jungle sẽ thực sự trở thành “một khu rừng”, đó là một khu rừng kỳ lạ, nơi những góc tối “đáng sợ” nhất đã ra đời.
Đọc lại phần 2: Xứ Sở Thần Tiên Vẫy Gọi
Đọc lại phần 1: Đến nơi này sẽ khiến cuộc đời bạn "quay xe"
Tôi liên tục google và tìm kiếm những gì được cho là “khá khẩm” ở vùng đất này, ấn tượng đầu tiên là cảnh đẹp siêu thực! Tôi rất tò mò tại sao bấy lâu rất ít người giới thiệu Cao Bằng để đi du lịch, hoặc phượt? Khi tới đây, tôi bất ngờ nhất chính là những sự nỗ lực của ngành Văn Hoá tỉnh mới gần đây đã đưa gần như phần lớn diện tích cả tỉnh vào vùng “UNESCO”. Điều đó thật sự đáng ghi nhận, nhưng với tôi thì cũng khá buồn cười. Quyết tâm bảo tồn khi là một Công Viên Địa Chất Toàn Cầu chính là gìn giữ cả cái “nghèo”. Bạn sẽ khó mà hình dung được nhân dân ở đây sẽ sống như thế nào nếu không thể xây dựng những nhà nghỉ hiện đại khang trang cao vút, hay xây những công trình với máy móc hiện đại kiểu như cáp treo, khu vui chơi phức hợp, trung tâm mua sắm, hay thiên nhiên hơn chút nhưng cũng toàn bê tông và ống dẫn kiểu khu tắm khoáng kiểu Nhật hay đại loại là những thứ nhân tạo đắt đỏ dễ dàng và kéo theo nền kinh tế phát triển.
Đi đôi với cái nghèo còn là “lười”. Nhân dân ở đây lười kinh khủng, họ chả làm gì mấy! Ngày ngày lững thững dắt mấy con trâu bò ra đường, lúa mỗi năm một vụ, cá cứ để ngoài sông, tưới tiêu thì xây mấy cái cọn nước! Nước cũng sẵn, đồng ruộng cứ thế được đổ đầy nước, chứ không cằn cỗi cấy ngô từng mét đất như Hà Giang, ở đây, nông dân tới mùa cày qua loa rồi cấy, cánh đồng xanh bát ngát dễ dàng… Gạo tuy vậy, phải nói thực cũng không ngon lắm, còn lâu mới so sánh được với gạo ở Điện Biên hay Yên Bái với những tên tuổi như nếp Tú Lệ, Tám Điện Biên.
Tôi còn nhớ lần tôi thuê một anh dân bản dẫn tôi lên đỉnh núi cạnh hồ Bản Viết. Hẹn xong sáng hôm sau trời hơi mưa, tôi gọi điện báo sẽ lùi lại độ một tiếng mới xuất phát để ngớt mưa còn lên ảnh cho đẹp, anh tỉnh bơ chốt hạ: mưa như này anh đi uống rượu rồi, “job” của tôi coi như bỏ! Cái gì vậy trời? Tôi không nghĩ có ai chi cả triệu bạc để trả công cho anh trong khoảng hơn 2 tiếng chỉ để làm một việc mà hầu như ngày nào anh cũng làm như vậy đâu đó! Tôi cơ bản cuối cùng không mấy khi tìm được người dẫn đường ở đây vì họ thà nhịn chứ không chịu làm thuê, nên hầu hết đường ở Cao Bằng được nhóm tôi vẽ đường chạy mà không có liên quan gì mấy đến dân địa phương cả.
Nhưng họ không buồn, họ sống vui vẻ và hạnh phúc! Bạn sẽ không cần phải tới Nepal hay Tibet để sống chậm, bạn có thể tới Cao Bằng và ở lì đó cả tháng để rèn luyện “một cái tâm thư thái”, và họ sẽ dạy bạn điều đó rất nhanh thôi.
Cái tên Xứ sở Thần Tiên
Đến lúc này, tôi thật sự hiểu nội tình khi ngài Martini đặt tên xứ này là “Thần Tiên”. Và nếu cố chấp, bạn sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được cuộc sống của thần tiên sẽ là thế nào cả.
Những cánh đồng lúa xanh mướt thanh bình, tạo ra bởi một khung cảnh làng quê những năm xưa cũ mà tôi thấy nhiều trên phim ảnh. Chỉ một con sông, nhưng hàng trăm thác ghềnh tự nhiên và nhân tạo. Hồ nước tự nhiên, thông lẫn nhau cùng chung một mực nước, xanh ngát, đẹp vô cùng, nhưng không có nhiều dịch vụ để phục vụ khách du lịch, điều đó càng làm Cao Bằng cứ như bất tử, như bất biến với thời gian.
Tôi đến và thả mặc cho mình đi khắp từ Tây sang Đông, đi từ núi Thủng, từ Pác Bó cho tới thác Bản Giốc, khám phá từng góc cạnh của Xứ sở Thần Tiên. Ngoài bình yên thì chỉ có cảnh sắc tuyệt đỉnh. Tôi nghĩ rằng sẽ làm một cuộc đua marathon và về đích ở thác Bản Giốc - một trong những kỳ quan đẹp nhất thế giới, nhưng như thế chưa thoả mãn! Phải làm thế nào để có thể khám phá hết toàn bộ Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng này mới thoả mãn tôi, nó phải là một cuộc đua hàng trăm kilomet! Một cuộc đua dài lắm cũng chỉ tới 160km, làm thế nào mà làm được cuộc đua lên tới hơn 200km được? Hay là mỗi ngày chạy một ít?
Xây lên từ tưởng tượng
Ngay lập tức trí tưởng tượng của tôi bắt đầu thức dậy!
Nếu mỗi ngày một cái ultra trail thì sao?
Đã từng có rất nhiều cuộc đua kiểu dạng nhiều chặng như thế trên thế giới rồi, mình có thể sẽ làm được một cuộc đua nhiều chặng như thế!
Chi phí sẽ rất lớn, nhưng nếu nó đủ sức thuyết phục những người đam mê, số lượng người tham gia có thể sẽ đủ để gánh được chi phí đó.
Khi đi từ Lai Châu về, tôi vốn đã rất tiếc nuối về cuộc đua 100 dặm “khủng” mà tôi định làm ở đây. Nhưng cơ hội này qua đi, cánh cửa mới sẽ mở ra. Ngay khi ngồi chán ngán ở Sa Pa ngắm mưa rơi, tôi đã có cuộc hẹn với người đứng đầu sở Văn Hoá Thể Thao Du Lịch Cao Bằng. Bằng sự nhiệt tình, họ dẫn tôi đi tới những nơi đẹp nhất của tỉnh trong suốt mấy ngày, để mặc cho tôi khám phá và đánh giá. Giờ là lúc tôi trồng một cái cây mới ở nơi đó! Tôi quay trở về Sở Văn Hoá, trình chiếu một kế hoạch tổ chức giải đấu độc nhất vô nhị ở Việt Nam, đúng hệt với những gì mà tôi tưởng tượng, mặc kệ những khó khăn mà tôi biết rõ sẽ phải đối mặt ở đây như không dịch vụ, không biết đường xá hay địa hình, không có dân bản địa chỉ dẫn, chưa kể chúng tôi sẽ rất khó khăn khi giải thích “trò chơi” mà Race Jungle đang làm.
Bước bộ? Từ thành phố Cao Bằng về Bản Giốc á? Tôi phải trả lời câu hỏi đó hàng trăm lần.
Nấu mì? Ok, thôi không cần trả tiền đâu! Đó là lần tôi đói quá vào nhờ một chị nấu cho gì ăn, chị còn mì tôm, khi ăn xong thì không cần trả tiền như vậy.
Đặt bình nước 20 lít? Đặt nhiều thế làm gì?
Bọn này có phải phản động không? Sao lại đánh dấu gì ở thôn này vậy? (Và gỡ hết dây đánh dấu đường đi).
Chú lên núi đó hái thuốc à, chú có đi cùng bà lang hôm trước không? Thằng bé chăn trâu hỏi khi tôi gặp và hỏi đường lên núi (mà bà nào cơ…).
Cuối cùng, vừa làm, vừa giải thích, vừa tìm kiếm dịch vụ, vừa thuyết phục trong hàng chục chuyến đi từ khảo sát đường cho tới làm hình ảnh, chúng tôi cũng thiết lập xong cung đường và sẵn sàng tổ chức! 220km trong 4 ngày, 110km trong 2 ngày và nhiều cự ly ngày cuối nữa, một cuộc đua dài nhất Việt Nam! Trực tiếp phó chủ tịch tỉnh hẹn gặp nhiều lần và thể hiện sự băn khoăn của mình, chúng tôi lần nào cũng chắc chắn như đinh đóng cột rằng cuộc đua sẽ ngon lành thôi. Chính tôi cũng rất tự tin vào điều đó.
Góc u tối của khu rừng
Và ngày đó tới, chúng tôi công bố giải. Tôi hào hứng đón chờ phản ứng của cộng đồng. Họ kinh ngạc thật sự. Nhưng không có mấy khách hàng tham gia. Suốt từ lúc đó cho tới sát ngày đua, chỉ vỏn vẹn gần 200 bib được bán ra, bao gồm cả những cự ly một ngày như 70km trở xuống. Tôi, như cam kết, đem tặng gần 300 bib cho tỉnh và “nhờ” họ đi chạy cho đủ 500 người tham gia! Ngân sách đã tiêu cho giải lên tới khổng lồ, trí tưởng tượng có thể là một vũ khí, nhưng cũng là con dao 2 lưỡi làm hại chính bạn, hãy xem tôi đã tưởng tượng những gì ở Cao Bằng khi đến đây lần đầu khảo sát, và nó diễn ra đúng như thế, chỉ có con số là tôi chưa nghĩ tới.
Hơn 40 nhân viên và tình nguyện viên phục vụ riêng cho vài người chạy Multi Stages liên tục trong suốt 4 ngày, trọn gói từ ăn ngon, ngủ khách sạn, mỗi ngày đua được dựng lên từ cổng xuất phát tới cổng đích, có nhiếp ảnh gia, quay phim bám theo. Hệ thống tính giờ và bib chip được lập trình bổ sung cho kiểu đua mới, mỗi ngày cũng có trao giải từng chặng. Không có nhà tài trợ nào chi tiền, nếu có cũng chỉ là sản phẩm hoặc một số dịch vụ.
Race Jungle lỗ riêng cho giải Cao Bằng lên tới hàng tỷ và là con số kỷ lục! Nhiều giải chạy mới mở của tôi cũng lỗ, nhưng tôi xoay sở được. Rồi tôi đã vô cùng suy sụp, công ty lâm vào tình thế cạn kiệt tiền mặt, những gì tích luỹ được bay biến mất, tôi điên cuồng siết chặt mọi thu chi và tất nhiên rất nhiều mâu thuẫn xảy ra. Một trong số những cổ đông của tôi, người đã đi cùng công ty từ những ngày đầu, đồng cam cộng khổ, như một giọt nước tràn ly, một năm sau đó đã quyết định rời bỏ công ty khi không chịu đựng được cách mà tôi vận hành.
Nhưng, tôi vẫn tiếp tục, và tôi sắp làm Ultra Trail Cao Bằng mùa thứ 3 với số lượng không còn là gần 200 người mua bib chạy nữa mà gấp gần mười lần như thế, nhẽ ra UTCB đã đổ gục sau mùa đầu tiên rồi mới đúng, tự tôi đôi khi cũng không thể hiểu nổi chính mình!
Chắc hẳn nhiều người sẽ cùng thắc mắc rằng, tại sao tôi vẫn duy trì giải Cao Bằng. Dù năm tiếp theo tổ chức, khá hơn, nhưng con số lỗ phải gồm cũng vẫn cả tỷ. Tôi vẫn làm. Những cây trong khu rừng sẽ không phải cây nào cũng cho ra quả ngay lập tức, sẽ có những góc tối đáng sợ, sẽ có những trái ngọt tương lai, nhưng sẽ có những đại thụ không bao giờ ra quả ngọt, vì đó là những cây sẽ làm nhiệm vụ che chở cho cả khu rừng. Nếu như tôi bỏ đi những cây đó, tuy bớt đi vài góc tối, nhưng nó sẽ không còn là “jungle” nữa.
(còn tiếp)
Có những cuộc đua, mất hơn 4 năm mới thấy lợi nhuận, nhưng có những cuộc đua ngay năm thứ 2 đã chạm mức có lãi, nhưng chúng tôi quyết định vẫn bỏ đi! Ở phần tiếp theo, tôi sẽ kể về những lần quyết định rất khó khăn trong 7 năm làm một giám đốc điều hành một công ty chỉ làm giải chạy, công việc mà tôi không thích thú lắm trừ phần chuyên môn tổ chức giải rất đáng làm. Đó là những lần tôi gạch bỏ những cuộc đua ra khỏi danh mục hàng năm của Race Jungle, và quyết định chỉ giữ lại những thứ “rất rừng”, tôi gọi nó là bộ gien của RJ.
(Bài viết này gửi tặng Quỳnh Xù và Khánh Trọc)