Bạn có còn nhớ những ngày đầu mình đến với chạy bộ không? Điều gì đã giúp bạn duy trì được thói quen tập luyện hàng tuần, thậm chí hàng ngày của mình? Trên từng bước chạy đẫm mồ hôi, liệu rằng động lực hay kỷ luật mới là yếu tố giúp thúc đẩy bạn tiến về phía trước?
Động lực chạy bộ - yếu tố thay đổi theo thời gian
Động lực thường là sự thúc đẩy ban đầu, giúp bạn bắt đầu những bước chạy, buổi chạy đầu tiên. Động lực có thể xuất phát từ mong muốn của bạn trong việc cải thiện sức khỏe, giảm cân, tham gia vào một giải chạy sắp tới, hoặc đơn giản là muốn thư giãn, giải tỏa căng thẳng.
Nhiều người bắt đầu chạy bộ vì muốn cải thiện sức khỏe. Những lợi ích về sức khỏe như tăng cường sức đề kháng và cải thiện sức khỏe tim mạch là động lực mạnh mẽ. Khi bạn bắt đầu nhận thấy những cải thiện về sức khỏe như: giảm cân, cải thiện sự bền bỉ, chất lượng giấc ngủ tốt hơn thì tương ứng với đó, động lực chạy bộ cũng sẽ được củng cố mạnh mẽ.
Trong trường hợp, bạn đăng ký tham gia giải chạy marathon hoặc giải chạy địa hình (chạy trail) cũng là một cơ hội để cải thiện động lực chạy bộ của mình. Các mục tiêu cụ thể khi đến với giải chạy sẽ giúp bạn có định hướng rõ ràng và thúc đẩy quá trình luyện tập. Việc đạt được mục tiêu giải chạy, chẳng hạn hoàn thành cự ly hoặc thậm chí là tranh chấp huy chương là “chất men” tuyệt vời gia tăng động lực chạy bộ của bạn.
Đồng thời, chạy bộ cũng là phương pháp hiệu quả để giải tỏa căng thẳng và thư giãn tâm trí hiệu quả. Khi chạy, cơ thể bạn sẽ sản sinh endorphin, loại hormone mang lại cảm giác hạnh phúc và thư thái. Cảm giác thoải mái sau mỗi buổi chạy là động lực lớn giúp bạn duy trì thói quen vận động của mình.
VẤN ĐỀ LỚN ở đây là, động lực không phải lúc nào cũng giữ nguyên, mà thường chuyển biến lúc lên cao, lúc xuống thấp. Động lực thường gắn chặt với yếu tố cảm xúc và thường thay đổi theo thời gian. Có những thời điểm, động lực chạy bộ của bạn có thể giảm sút do sự mệt mỏi, chán nản, hoặc chấn thương, không đạt được kết quả mong muốn.
Động lực thường là sự thúc đẩy ban đầu, giúp bạn bắt đầu những bước chạy, buổi chạy đầu tiên
Kỷ luật chạy bộ - nền tảng cho sự bền bỉ
Kỷ luật là yếu tố quan trọng giúp bạn duy trì thói quen chạy bộ lâu dài. Khi động lực giảm sút, kỷ luật sẽ giúp bạn tiếp tục tập luyện đều đặn. Kỷ luật liên quan đến việc xây dựng các thói quen, lập kế hoạch hành động cụ thể, và thực hiện những mục tiêu đề ra bất kể điều kiện bên ngoài như thời tiết xấu, mệt mỏi, hay lịch trình công việc bận rộn.
Kỷ luật liên quan trực tiếp đến việc xây dựng và duy trì các thói quen hàng ngày. Kỷ luật giúp bạn duy trì thói quen chạy bộ, ngay cả khi không có động lực. Việc chạy bộ hàng ngày khi đó sẽ trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, giúp cơ thể và tinh thần bạn thích nghi với hoạt động này.
Một điều rõ ràng là chạy bộ không phải lúc nào cũng dễ dàng và thoải mái. Có những ngày bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi với thời tiết mưa gió, công việc căng thẳng hay một chuyện nhỏ xen ngang, bất chợt nào đó, nhưng kỷ luật sẽ giúp bạn vượt qua những thử thách này. Bằng cách tuân thủ kỷ luật, bạn sẽ không để những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng quá nhiều đến mục tiêu và cam kết của mình.
Đặc biệt, kỷ luật chạy bộ không chỉ giúp bạn duy trì thể chất mà còn tăng cường sức mạnh tinh thần. Sự kiên trì và quyết tâm trong việc duy trì thói quen chạy bộ giúp bạn phát triển tính kỷ luật và tự kiểm soát bản thân trong các khía cạnh khác của cuộc sống, công việc. Khi bạn vượt qua những trở ngại và khó khăn, bạn sẽ dần cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn.
Kỷ luật là yếu tố quan trọng giúp bạn duy trì thói quen chạy bộ lâu dài
Kết hợp cả động lực & kỷ luật trong chạy bộ
Thực tế, để duy trì hoạt động chạy bộ của mình, bạn thường sẽ cần có cả động lực và kỷ luật. Trong đó, mỗi yếu tố đóng vai trò khác nhau với quá trình tập luyện, thi đấu của bạn.
Động lực mang lại cho bạn khởi đầu mạnh mẽ, tạo đà cho quá trình tập luyện. Còn kỷ luật giúp duy trì và phát triển thói quen chạy bộ trong thời gian dài. Khi động lực giảm, kỷ luật sẽ giữ cho bạn tiếp tục tiến lên. Và khi bạn hành động, nỗ lực đủ lâu để hình thành thói quen vận động thường xuyên thì động lực của bạn cũng được cải thiện dần. Sự kết hợp này tạo nên một chu trình khép kín, nơi động lực và kỷ luật bổ sung cho nhau, giúp bạn duy trì đam mê và đạt được mục tiêu.
Để kết hợp cả động lực và kỷ luật trong chạy bộ, bạn nên lưu ý một số điều như:
Nên tận dụng cảm xúc hào hứng, động lực ban đầu để bắt đầu tập luyện. Bạn nên đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, dễ đạt được để tạo niềm vui và sự tự tin. Ví dụ nếu bạn là người mới chạy bộ, bạn có thể đặt mục tiêu hoàn thành cự ly 3km, 5km trước khi nghĩ đến những mục tiêu dài hơn như 21km, 42km và xa hơn.
Thiết lập kế hoạch tập luyện cụ thể và tuân thủ nghiêm túc kế hoạch đã đề ra. Hãy biến chạy bộ thành một phần trong lịch trình hàng ngày của bạn. Bạn hãy theo dõi tiến trình tập luyện và điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết nhưng vẫn nỗ lực hướng tới mục tiêu đã đề ra.
Khi động lực giảm sút, bạn hãy tập trung vào tinh thần kỷ luật của mình để vượt qua. Hãy nhớ rằng những khó khăn chỉ là tạm thời và việc duy trì thói quen sẽ giúp bạn phát triển bền vững.
Thường xuyên làm mới động lực bằng cách tham gia các sự kiện, thay đổi lộ trình chạy, tham gia các cộng đồng chạy bộ hoặc đơn giản hơn là chạy cùng bạn bè, người thân của mình.
Kết hợp động lực và kỷ luật thực sự có thể trở thành chìa khóa quan trọng để duy trì và phát triển thói quen chạy bộ. Bạn hoàn toàn có thể biến chạy bộ thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống với động lực và kỷ luật song hành.
Kết hợp động lực & kỷ luật chạy bộ giúp tạo nên một chu trình khép kín, nơi động lực và kỷ luật bổ sung cho nhau, giúp bạn duy trì đam mê và đạt được mục tiêu
----------
Hy vọng những chia sẻ của RJ RunBrief hữu ích và là những gợi mở tốt dành cho bạn. RJ RunBrief chúc bạn có hành trình trải nghiệm, tập luyện, thi đấu môn chạy bộ với thật nhiều niềm vui, cảm xúc và năng lượng.
RJ RunBrief
🌐 Website: https://racejungle.com/blogs/news
▶️ Fanpage: https://www.facebook.com/RunBrief
📧 Email: content@racejungle.com