Chấn thương do vận động quá tải là một vấn đề phổ biến trong các hoạt động thể thao, đặc biệt là với chạy bộ đường dài. Đây là những chấn thương xảy ra khi cơ thể phải chịu áp lực lặp đi lặp lại trong thời gian dài mà không được nghỉ ngơi hay phục hồi đầy đủ. Bạn hãy cùng RJ RunBrief tìm hiểu về chấn thương do vận động quá tải qua bài viết sau.
Chấn thương do vận động quá tải là gì?
Chấn thương do vận động quá tải (overuse injuries) là kết quả / hậu quả của sự căng thẳng lặp đi lặp lại lên cơ, khớp, và mô liên kết mà cơ thể không đủ thời gian phục hồi. Điều này có thể xảy ra khi bạn thực hiện một động tác lặp lại quá thường xuyên hoặc tăng cường độ tập luyện quá nhanh, khiến cho các cấu trúc của cơ thể không kịp thích nghi.
Chấn thương do vận động quá tải là một vấn đề phổ biến trong các hoạt động thể thao, đặc biệt là với chạy bộ đường dài
Các loại chấn thương do vận động quá tải thường gặp
Một số loại chấn thương do vận động quá tải phổ biến thường gặp do vận động quá tải, có thể kể đến như:
Viêm gân (Tendonitis): Là tình trạng viêm nhiễm của các gân, thường gặp ở gân Achilles hoặc gân đầu gối.
Đau ống chân (Shin splints): Thường xảy ra khi các cơ và gân quanh xương ống chân bị viêm.
Đau đầu gối do chạy bộ (Runner's knee): Đau ở phía trước hoặc xung quanh đầu gối, gây ra bởi sự cọ sát liên tục của xương đùi vào mô xung quanh.
Triệu chứng của chấn thương do vận động quá tải
Triệu chứng chính của chấn thương do vận động quá tải là đau nhức ở vùng bị ảnh hưởng, thường tăng lên khi bạn tiếp tục tập luyện. Ban đầu, cơn đau có thể nhẹ và chỉ xuất hiện sau khi tập, nhưng nếu không nghỉ ngơi, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng.
Một số dấu hiệu khác có thể bao gồm:
Sưng nhẹ ở khu vực bị tổn thương.
Cảm giác tê hoặc mất cảm giác ở các chi.
Khả năng di chuyển giảm, hoặc cảm giác không vững khi di chuyển.
Nguyên nhân gây ra chấn thương do vận động quá tải
Chấn thương do vận động quá tải thường phát sinh do nhiều yếu tố như:
Tăng cường độ quá nhanh: Đẩy mạnh cường độ tập luyện mà không có kế hoạch hợp lý khiến các cơ và khớp không kịp thích nghi, dễ dẫn đến tổn thương.
Thiếu thời gian nghỉ ngơi: Quá trình phục hồi là yếu tố quan trọng giúp cơ thể tái tạo và hồi phục các mô bị tổn thương sau tập luyện. Khi bạn không cung cấp đủ thời gian nghỉ, cơ bắp không thể phục hồi hoàn toàn.
Kỹ thuật sai: Sử dụng kỹ thuật chạy không đúng hoặc giày không phù hợp có thể làm tăng áp lực lên cơ thể, đặc biệt là ở các khớp và gân.
Cơ chế phục hồi của cơ thể sau chấn thương
Khi cơ thể chịu tổn thương, nó bắt đầu quá trình phục hồi tự nhiên bằng cách tăng cường lưu lượng máu đến khu vực bị tổn thương để cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cần thiết cho việc tái tạo. Quá trình này cũng kích thích sản xuất collagen để hồi phục các mô liên kết và cơ. Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian và nghỉ ngơi đầy đủ để diễn ra hiệu quả.
Cách phòng ngừa chấn thương do vận động quá tải
Phòng ngừa chấn thương do vận động quá tải là một phần quan trọng trong quá trình tập luyện hiệu quả và an toàn. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng:
Tập luyện có kế hoạch: Xây dựng kế hoạch tập luyện cụ thể với sự tăng dần về cường độ và thời gian là cách tốt nhất để ngăn ngừa chấn thương.
Nghỉ ngơi hợp lý: Đảm bảo cơ thể có đủ thời gian phục hồi bằng cách xen kẽ giữa các buổi tập nặng và nhẹ, và không quên dành ít nhất một ngày nghỉ ngơi hoàn toàn trong tuần.
Kỹ thuật chạy đúng: Học kỹ thuật chạy đúng và đảm bảo rằng bạn sử dụng giày chạy bộ phù hợp với loại bàn chân và cách bạn chạy.
Bổ sung dinh dưỡng và ngủ đủ giấc: Cơ thể cần năng lượng và các chất dinh dưỡng để phục hồi, vì vậy việc đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng và đủ giấc ngủ là rất quan trọng.
Tăng cường sức mạnh cơ bắp: Bổ sung các bài tập tăng cường sức mạnh, đặc biệt là cho các nhóm cơ liên quan đến chạy, sẽ giúp cơ thể đối phó tốt hơn với áp lực từ vận động.
----------
Chấn thương do vận động quá tải có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Để duy trì sức khỏe và hiệu quả tập luyện, bạn cần có một kế hoạch tập luyện hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ và chú ý đến kỹ thuật chạy. Bạn hãy lắng nghe cơ thể và điều chỉnh cường độ tập luyện khi cần thiết để tránh những chấn thương không mong muốn.
RJ RunBrief chúc bạn có trải nghiệm tập luyện, thi đấu chạy bộ như kỳ vọng với thật nhiều cảm xúc trên từng cây số.
----------
𝗥𝗝 𝗥𝘂𝗻𝗕𝗿𝗶𝗲𝗳
🌐 Website: https://racejungle.com/blogs/news
▶️ Fanpage: https://www.facebook.com/RunBrief
📧 Email: content@racejungle.com