Chung quy lại thì con người vẫn luôn luôn muốn sở hữu những “cái gì” đó mà “cầm được (đồ), sờ được (người), thấy được (danh), khiển được (quyền)”, chỉ có những ai “ít giống người” mới xa rời được ham muốn đó. Tôi sẽ kể về một người hội tụ được khá đầy đủ sự “buông bỏ”, chính nhờ anh, một địa danh mà hầu như giới chạy trail ở Hà Nội đều biết tới, đó là dốc “Há Mồm”, con dốc được anh chị em tập chạy dốc nhắc tới mỗi cuối tuần nhiều nhất hiện nay.
Đây là câu chuyện mà anh Đặng Đức kể về quá trình đến với chạy bộ và hình thành Race Jungle, một cái tên đang ngày càng quen thuộc ở Việt Nam với những giải chạy kỳ lạ và cuốn hút! Đã từng có một giải chạy mà vận động viên phải “động cả não” và cực kỳ tinh mắt mới có thể đi đúng đường được khi Race Jungle không chịu đánh dấu đường chạy bằng dây marker dày đặc mà chỉ có duy nhất một hệ thống vài trăm bảng chỉ dẫn cố định trên đường. Có khi đi hàng trăm mét mới thấy một bảng. Đó là một ý tưởng thật tuyệt vời, nhưng điều đáng tiếc là không thể tiếp tục (vì người ta đi lạc quá trời đất).
Tác giả của số bảng biển đó, là một anh chàng rất quái gở, hôm nay tôi sẽ kể về anh, một trong số những người đứng sau rất nhiều cung đường lấy đi nhiều mồ hôi và nước mắt của runners, cho đến mãi về sau! Câu chuyện này gắn chặt với Race Jungle, từ lúc tôi còn ở chung phòng với anh trên tầng 5 căn nhà của một nghệ sỹ vẽ tranh 3D ở phố Hoàng Hoa Thám.
Đọc lại phần 4: Những chiến sĩ ngã xuống
Đọc lại phần 3: Một khu rừng kỳ lạ?
Đọc lại phần 2: Xứ Sở Thần Tiên vẫy gọi
Đọc lại phần 1: Đến nơi này sẽ khiến cuộc đời bạn "quay xe"
Bài viết này, tôi viết theo kiểu của tôi, tôi thông báo điều này trước vì biết đâu sẽ có người khó chịu với kiểu này, nhưng, nếu không viết kiểu vậy, bạn sẽ không hiểu được điều tôi nghĩ.
Mười năm lần thứ nhất
2004, tôi đang là một sinh viên năm 2 năng động nhất trường, tham gia đủ mọi tổ chức và được giao việc mở lớp học về dạy đàn guitar cho câu lạc bộ guitar của Đại học Xây Dựng. Câu lạc bộ truyền thông bằng cách nuôi một ban nhạc rồi có dịp là đi diễn để lại nhiều tiếng vang. Các ca sĩ sinh viên có chất giọng tốt đều qua tay bọn tôi, như một kiểu nuôi KOLs (trong đó có cả vợ cũ của guitarist Minh Mon - xin được tưởng nhớ đến cậu). Đến mùa mở lớp học, chỉ nổi tiếng và truyền miệng là chưa đủ, tôi truyền thông bằng cách thiết kế một tờ rơi khá ấn tượng rồi đi phát, dán quảng cáo khắp nơi từ ký túc đến bảng tin khoa, trường. Nhưng tờ rơi thì không được dán lung tung, mấy nghìn tờ rơi tha hồ bị vứt, bị bóc, nhưng không chịu bó tay, tôi cùng mấy thằng nữa ở câu lạc bộ dán ở tất cả các nhà vệ sinh (kể cả nữ) của trường Xây Dựng, Bách Khoa, Kinh Tế và mấy trường đại học gần đó. Kết quả là số học sinh guitar năm đó của câu lạc bộ tăng gần 10 lần so với năm trước và câu lạc bộ trở thành tổ chức sinh viên có nguồn thu lớn nhất trường với “doanh thu” mỗi kỳ hàng trăm triệu, vượt cả Đoàn Thanh Niên và Hội Sinh Viên. Tha hồ ăn chơi, tha hồ biểu diễn, tha hồ tập luyện, thuê phòng thu, mua đàn đóm hay nhạc cụ... Tôi được đôn lên làm phó chủ nhiệm câu lạc bộ, hầu như tháng nào cũng lên gặp hiệu phó để xin chủ trương, thậm chí là phó chủ nhiệm câu lạc bộ guitar đình đám trong khi còn chưa biết chơi đàn. "Chiến lược truyền thông tờ rơi" kia, mỗi năm được thiết kế một kiểu gây ấn tượng tốt, kết hợp hàng loạt buổi diễn của ban nhạc đình đám luôn hiệu quả suốt mấy năm sau đó lại càng làm câu lạc bộ mạnh lên.
Sau đó với “vai vế” và tiếng tăm gây ảnh hưởng ngầm của mình, tôi được vài tổ chức săn đón! Tôi được một số công ty đề nghị làm cộng tác viên để họ thành lập và tổ chức những đội nhóm trong trường nhằm mở các lớp học cho sinh viên như ngoại ngữ, kỹ năng, hát múa khiêu vũ các loại… Tôi về cơ bản là đều không thích và từ chối hết. Thay vào đó, tôi bắt đầu tìm hiểu được một số lớp học khá kì lạ về thuyết trình mà tôi cho rằng nó thiết thực hơn rất nhiều. Cuối cùng, vào một ngày nghỉ hè, tôi quyết định tự mình sẽ lập ra một câu lạc bộ riêng về kỹ năng mềm, và chờ năm học mới sẽ mở thêm lớp học về kỹ năng thuyết trình và các loại kỹ năng mềm khác, mời “giáo viên” là mấy ông bà được đào tạo ở mấy trung tâm kiểu như vậy. Để cho dễ hiểu, nếu bạn có thể tưởng tượng các lớp học “life-coach” hoặc các loại sách “self-help” nói về cái gì thì các lớp học và hoạt động hàng ngày của tôi thời đó cũng là một dạng nội dung như vậy, chỉ có khác là mấy anh chị giáo viên kia thi thoảng lại cho chơi mấy trò chơi có vẻ rất ý nghĩa để rút ra một bài học gì đó nghe rất kêu… Nhưng tôi cũng sớm giải tán trò đóng kịch đó chỉ sau mấy lần tổ chức. Lớp học đó lại dẫn tôi đến một lĩnh vực khác có vẻ thiết thực hơn và kiếm tiền ổn hơn đó là teambuilding.
Tôi tự học, tìm hiểu về tâm lý, lý thuyết trò chơi, các hoạt động ngoài trời cũng như tổ chức nhiều kiểu đội nhóm nhằm gia tăng năng suất công việc cho từng cá nhân trong tổ chức. Tôi còn lập ra một công ty chuyên tổ chức teambuilding và từng ký được hợp đồng làm city-tour khá đắt cho mấy tập đoàn lớn, trong đó có cả một phòng kinh doanh của FPT với hàng trăm nhân viên. Thời đó, tôi đọc và thực hành cực kỳ nhiều sách về tâm lý học, tập luyện cách đọc, đánh giá cảm xúc người khác, tự tạo ra những môi trường có đội nhóm, giao nhiệm vụ và cố gắng tạo ra sự tích cực và kích thích tâm lý để đội nhóm đạt kết quả. Nhưng cũng không lâu sau, tôi lại mệt mỏi với hết thảy những thứ đó, teambuilding cũng vẫn là diễn kịch thôi! Tôi dừng công ty đó lại.
Sau quãng thời gian đó, cuộc sống của tôi mông lung, tôi đi làm quản lý cho một công ty công nghệ, tôi học code html, học cách làm online marketing, tự lập ra blog, viết gần 500 bài viết về những gì mình nghĩ bất kể là gì, rồi tôi nghỉ không làm cho công ty kia nữa, tôi đi dạy đàn guitar và làm freelancer marketing cho vài công ty khác nhau, đều là những lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt, tôi kiếm được tiền, cơ bản ăn tiêu thoải mái… Nhưng tôi bị áp lực kinh khủng với đại dương đỏ và bị tăng cân lên 25kg, sức khỏe đi xuống trầm trọng, từng bị viêm phổi nặng và có một thời gian bị sốt liên tục hơn 1 tháng không khỏi mà không rõ nguyên nhân.
Thế giới những người vô tri
Và tôi đi chạy vào năm 2014, giảm cân thành công, dần từ bỏ nhiều thứ! Bỏ hết mọi việc làm để kiếm tiền, bỏ kiểu sống tiêu cực, bỏ nhiều kiểu ham muốn vô nghĩa. Lúc này, tôi ngày càng ham chạy, ham tổ chức các cuộc chạy, ham nói về chạy. Đến với chạy là lúc tôi kết thúc quãng thời gian 10 năm “rong ruổi”, chính thức tự đưa mình vào một kiểu sống mới. Sau 3 năm mông lung và lang thang, Race Jungle ra đời.
Từ khi đi chạy, tôi tự kiềm chế và bỏ thói quen đánh giá người khác, bỏ được nhiều thói hư tật xấu vốn ăn vào nhân cách như ham muốn, sở hữu, quyền lực, danh tiếng, hoặc một số điều làm tôi sợ hãi. Để làm được, tôi chỉ cần coi như mình là một thực thể trống rỗng, mọi thứ đến, chỉ cần vui vẻ quan sát là đủ (tôi gọi là vô tri - ý là ít bị lệ thuộc tri giác, kiểu: đau-kệ, nóng-kệ, rét-kệ, mệt-kệ, chướng tai gai mắt-kệ...). Khi tập chạy bộ để nâng cao ngưỡng chịu đựng stress của mình thì độ vô tri của tôi cũng tăng lên. Cứ trống rỗng như thế rõ ràng là dễ sống hơn rất nhiều một cuộc sống áp lực nhiều “âu lo” nhiều ham muốn, những người như thế lại thường hút nhau, nên xung quanh tôi sau đó toàn những người bạn cũng vô tri nốt.
Vào năm 2015, tôi gặp và thân với một đồng chí với cấp độ “trống rỗng” rất cao tên là Hoa Việt. Anh đi ra đảo hoang, anh dựng chòi ở trong rừng, anh nhiệt tình giúp đỡ người khác bất kể thù lao, nhà anh tuy rất giàu nhưng anh thích sống theo kiểu vô sản. Anh làm hàng đống trò mà ai cũng thấy là vô ích, mất thời gian. Năm 2018 anh tự mình kéo xe chạy bộ 4500 km xuyên Đông Nam Á để gây quỹ. Khi nào anh ở Hà Nội, anh hay tới ở luôn nhà tôi. Tôi hay rủ anh chơi mấy trò khá “NGU” cùng một nhóm bạn khác, lúc nào anh cũng hưởng ứng. Khi tôi bận bịu với Race Jungle, anh cũng giúp tôi trong nhiều lần vẽ đường chạy cùng hỗ trợ những giải ở trên rừng trên núi.
Cũng 2018, Race Jungle kết hợp với Umove làm giải đấu Ha Noi Ultra Trail (HNUT) và có một ý tưởng sẽ đưa vào đây một hệ thống dẫn đường thay cho dây marker tuy dễ nhìn nhưng không thân thiện môi trường lắm. Anh cho đó là một ý tưởng hay và không phàn nàn gì, anh nhận làm luôn. Tôi bắt đầu đi cùng anh một số buổi lên Sóc Sơn, thảo luận về đường chạy, cách cắm biển, khảo sát số lượng biển cần cắm, anh cứ thế lên rừng rồi lại về, tôi tinh chỉnh GPS ở văn phòng và thảo luận với anh về từng chi tiết, từng bảng biển. Sau chuỗi ngày lang thang khắp mọi ngóc ngách ở Sóc Sơn, anh ngủ luôn ở trong rừng. Ban đầu anh dựng lều ở gần hồ Đồng Đò, về sau thì anh đi sâu vào trong rừng, mượn được một mảnh đất và dựng luôn một căn nhà gỗ ở cạnh một cái ao. Anh gọi nó là “chòi ông Vịt”. Căn chòi hàng tuần được rất nhiều người bạn lên thăm và có những đứa (cũng kiểu vô tri) ở lỳ trong đó không thèm về nhà luôn.
Hoa Việt ở trong rừng, thể hiện tài hoa của mình trong khi vẽ tranh, làm mộc, ngày ngày cắt xẻ từng tấm gỗ, làm từng cọc cây, anh vẽ biển chỉ dẫn cùng một đàn thú ở căn chòi của mình. Bọn chó, mèo, gà, vịt, chuột… được hết mực yêu thương và nói chung cũng rất hạnh phúc vì anh chỉ ăn rau nên chúng cơ bản là an toàn ở một nơi như thế, mỗi tội hơi gầy. Qua mấy tháng, căn chòi cũng xong, số bảng biển cũng xong, ông Vịt (lúc này chúng tôi đổi sang gọi anh như vậy) bắt đầu đi cắm cọc và gắn biển khắp nơi ở trong rừng theo sơ đồ của đường chạy. Cắm xong biển chỉ dẫn lại về vẽ thêm mấy bức tranh gỗ cũng khá mang tính “cổ động” cho những người đi ngang qua, kiểu “đau khổ là tự nguyện”, “hạnh phúc ngay tại đây”, “runner về số, hít thở sâu”...
Bài học trên dốc Há Mồm
HNUT được tổ chức rất ổn, từ giá vé cho tới cung đường, mọi người tham gia bị ấn tượng rất tốt về công tác hỗ trợ trên đường chạy và đặc biệt là được “ăn uống” ngập mặt, nhất là ở checkpoint của chính chòi ông Vịt. Có người còn không chịu đi tiếp.
Điều phàn nàn duy nhất chính là ở một cái bẫy mà tôi đã cùng anh Hoa Việt tạo ra ở cuộc đua đó, đó chính là dốc Há Mồm. Chúng tôi thiết kế một đường chạy mang đậm chất “lừa dối” khi mà nửa đầu cuộc đua, gần như mọi runner từ mạnh đến yếu đều có thể chạy được. Rất nhiều runner mất cảnh giác và “bung” hết sức cho những khúc chạy dễ dàng ở phần lớn đoạn đầu, nhưng khi chỉ còn 10km cuối, runner phải leo ngược một cái dốc đứng, dài bất tận và chinh phục đỉnh cao nhất Sóc Sơn khi mà đã gần như cạn kiệt năng lượng và đôi chân đã mỏi nhừ. Khi đến lưng dốc, thở như thể chưa bao giờ được thở, vừa ngẩng mặt lên thì thấy một tấm biển gỗ được vẽ khá tinh tế với nội dung “trêu ngươi” được gắn ngay ngắn, để lại ấn tượng sâu sắc và mãi mãi: “Đèo Há Mồm”. Rất có thể, khi nhìn thấy tấm biển này, nhiều người lúc đó đã ngừng thở một lúc để phì cười, nhưng gần như chỉ có tôi biết là tại sao ông Vịt lại đặt biển tên dốc như vậy, anh đã tả cảnh tôi khi đi cùng anh khảo sát đường đã “thở” như thế nào khi leo ngược con dốc này lên đỉnh Hàm Lợn.
Về sau, tấm biển đèo Há Mồm không còn nữa, cuộc đua HNUT ở núi Sóc Sơn của Race Jungle cũng không được duy trì tiếp, nhưng những người yêu thích tập luyện chạy địa hình thì lấy đây làm nơi tập luyện mỗi cuối tuần. Dốc Há Mồm gần như là “món” mà ai cũng cần trải nghiệm nếu muốn “lên trình” leo dốc.
Về phần tôi, HNUT dạy cho tôi một “lý thuyết” tuyệt vời về tâm lý khi đi xây dựng một giải chạy đua. Ở mọi cuộc đua, mọi cảnh đẹp chỉ là phụ (nhưng quan trọng), tâm lý của người đi đua luôn biến động, trò chơi của bạn tạo ra để người đi chạy vượt qua có thể gây ra ức chế hoặc sung sướng, bạn có thể đặt cảm xúc mình muốn vào từng km như một rào cản bên ngoài. Nhưng “rào cản” bên trong mới là thứ cuối cùng khiến họ đầu hàng và bỏ cuộc. Nhiệm vụ của tôi là sắp đặt hoặc phơi bày rào cản đó như thế nào, tạo ra những yếu tố kích thích ra sao, còn runner mạnh nhất chính là người đạt tới trình độ “hưởng thụ” từng rào cản đó, họ tự tách mình ra, tự giật dây chính mình, tự biến mình thành một kiểu người "vô tri" và vượt qua mọi thứ mà tôi tạo ra, tất nhiên thể lực phải cho phép (tức là phải tập đủ cho cơ bắp).
Sau khi nghiệm ra được chuyện đó sau đợt tổ chức HNUT, tôi ấp ủ một ngày sẽ làm ra được một cuộc đua đủ khó, đủ hay, đủ yếu tố “đánh úp” tâm lý để đóng góp cho cộng đồng. Cơ hội đó đến khi tôi khám phá ra một lối mòn đi tắt khá đặc sắc trong lõi rừng già Cúc Phương, một tuyến đường hội tụ đầy đủ sự ma mị, khó khăn, kỹ thuật đa dạng và đòi hỏi thể lực mới có thể vượt qua, nó đưa Cúc Phương Jungle Paths từ một giải đấu dễ nhất Việt Nam sau mùa đầu tiên, chỉ sau khi áp dụng lý thuyết “trò chơi” và hiệu ứng chướng ngại tâm lý, nó lại trở thành một cuộc đua có biến động cảm xúc mãnh liệt nhất từ mùa thứ 2.
(còn tiếp)
Giải đấu có cự ly 100km đầu tiên của Race Jungle đã diễn ra thế nào? Vì sao hàng loạt runner tỏ ra bức xúc và căm ghét chúng tôi, hãy chờ đón phần tiếp theo sẽ được tôi kể lại, đó là câu chuyện về những “kẻ bắt nạt”!
(Bài viết này thân tặng Hồng Anh)
Cùng xem lại clip về hệ thống bảng biển mà ông Vịt làm: